Chiều 9-10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố kiến trúc chính quyền điện tử TP.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Tại đây, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho biết về một tồn tại hiện nay, đó là doanh nghiệp và người dân tham gia các dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều như TP mong muốn, một phần do các dịch vụ chưa được thuận tiện cho người sử dụng… Nguyên nhân sâu xa là TP.HCM chưa ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử TP.
Do đó, việc xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử TP là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của TP, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP phát triển thành đô thị thông minh.
Bà Trinh khẳng định trong định hướng xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, TP.HCM sẽ nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số phục vụ tốt nhất quá trình triển trai đô thị thông minh. Cụ thể là giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh trật tự; an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân…
Bà Trinh cho biết kiến trúc chính quyền điện tử TP được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IOT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng hiện nay không gian mạng đang diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, việc xây dựng chính quyền điện tử là vấn đề cần thiết, cấp thiết, nhất là với TP.HCM, một đô thị đặc biệt với khối lượng hồ sơ xử lý hằng năm lên tới 14 triệu hồ sơ. Muốn vậy, phải ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ các văn bản pháp luật.
Ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở ngành, quận huyện sau khi TP.HCM có khung kiến trúc chính quyền điện tử phải đẩy nhanh, đẩy mạnh đưa giải pháp công nghệ vào quản lý, quản trị của đơn vị; đưa dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, việc đầu tư các giải pháp, hệ thống công nghệ phải tuân thủ khung kiến trúc chính quyền điện tử của TP để tạo sự kết nối đồng bộ.
Bên cạnh đó, ông Tuyến khuyến khích người dân, doanh nghiệp nên làm quen và sử dụng thường xuyên dịch vụ công trực tuyến để tránh bị phiền hà, nhũng nhiễu.