Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã có bài “Dân khổ vì những bản án hành chính không được thi hành” phản ánh về thực trạng những bản án hành chính tòa tuyên đã có hiệu lực nhưng sau đó người phải thi hành bản án (thường là ủy ban, lãnh đạo cơ quan nhà nước) chậm thi hành nhiều năm liền khiến người dân phải khổ sở đi yêu cầu thi hành án (THA).
Vậy luật quy định về việc THA ra sao, xử lý trách nhiệm của người chậm THA thế nào mà lại có tình trạng trên?
Buộc THA vẫn không thi hành
Hiện nay việc thi hành bản án hành chính được thực hiện theo Nghị định 71/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.
Ông Nguyễn Ngọc Đồng dành hơn 20 năm để giành lại lối đi chung nhưng thắng kiện xong mãi vẫn chưa được thi hành án. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Theo đó, sau khi hết thời hạn tự nguyện THA (30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, trừ trường hợp bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc buộc lập danh sách cử tri thì phải THA ngay) mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì người được THA có quyền đề nghị tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc THA hành chính.
Khi nhận được quyết định buộc THA, người phải THA có trách nhiệm thi hành ngay bản án. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định buộc THA, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của tòa.
Trường hợp sau khi có quyết định buộc THA mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án thì tùy vào mức độ mà công chức, viên chức sẽ bị xử lý kỷ luật ở các mức độ như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Nghị định 71/2016 cũng quy định cơ quan THA dân sự có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thi hành các bản án hành chính.
Pháp luật đã quy định là vậy nhưng trên thực tế sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì bên bị kiện thường không tự nguyện thi hành, thậm chí là sau khi tòa án ra quyết định buộc THA vẫn không thi hành hoặc thi hành xong “cũng như không”.
THA hành chính là lĩnh vực phức tạp, thường liên quan đến các quyết định giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại về đất đai trong khi người phải THA lại là UBND, chủ tịch UBND và các sở, ban ngành.
Chưa có cán bộ, công chức nào bị xử lý trách nhiệm
Nhớ lại thời điểm tháng 7-2016 (Nghị định 71 có hiệu lực), người dân phấn khởi vì đã có “thuốc trị” các cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước trốn tránh, chây ỳ việc THA. Họ kỳ vọng những chế tài xử lý tại Nghị định 71 đủ mạnh khiến việc THA được thuận lợi hơn. Thế nhưng trong khi số lượng các vụ kiện hành chính ngày càng tăng, những bản án hành chính chưa thi hành cũng tăng lên; khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc cho người dân.
Ngày 27-6 vừa qua, Ban pháp chế HĐND TP.HCM có buổi giám sát về tình hình, kết quả thực hiện công tác THA dân sự và công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp sáu tháng đầu năm tại Cục THA dân sự TP.HCM.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Hòa cho biết hiện còn 198 bản án, quyết định liên quan đến án hành chính chưa thi hành xong. Trong đó, 52 vụ việc tòa án đã ban hành quyết định buộc THA; 146 bản án, quyết định có nội dung theo dõi nhưng chưa có quyết định buộc THA.
Cũng theo ông Hòa, THA hành chính là lĩnh vực phức tạp, thường liên quan đến các quyết định giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại về đất đai trong khi người phải THA lại là UBND, chủ tịch UBND và các sở, ban ngành.
Báo cáo của Cục THA dân sự TP.HCM về kết quả công tác THA dân sự, theo dõi THA hành chính bảy tháng đầu năm cũng nhận định hiện nay pháp luật đã có quy định xử lý, xem xét rất nặng trách nhiệm của người đứng đầu từ hình thức cảnh cáo đến các biện pháp kỷ luật khác, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cán bộ, công chức vi phạm trong THA hành chính. Tuy nhiên, thực tế chưa có cán bộ, công chức thuộc cơ quan phải THA nào bị xử lý trách nhiệm.
Trước đó, tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính vào tháng 10-2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết số lượng bản án hành chính mà chủ tịch UBND, UBND chưa thi hành xong còn tới 489 bản án.
Cơ quan này cũng thông tin cho đến thời điểm báo cáo chưa có trường hợp nào chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm về việc chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án.
Cục THA dân sự TP kiến nghị xử lý trách nhiệm cán bộ
Ngày 5-12-2022, Pháp Luật TP.HCM có bài “UBND TP Thủ Đức chậm thi hành án hành chính” phản ánh trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Đồng (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) hơn 20 năm theo đuổi, đấu tranh để lấy lại lối đi chung. Cuối cùng, tòa tuyên trả lại lối đi, bản án có hiệu lực suốt hai năm sau đó ông liên tục yêu cầu UBND TP Thủ Đức thi hành bản án hành chính nhưng vẫn chưa được thi hành.
Trong vụ việc của ông Đồng, Cục THA dân sự TP.HCM đã có văn bản gửi chủ tịch UBND TP.HCM để kiến nghị chỉ đạo, đôn đốc và xử lý trách nhiệm trong việc chậm THA hành chính của UBND TP Thủ Đức.
Cạnh đó, Sở Tư pháp TP cũng đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND TP Thủ Đức khẩn trương tổ chức thi hành bản án hành chính. Thế nhưng như báo cáo của Cục THA dân sự TP, chưa ai bị xử lý trách nhiệm.