UBND huyện chậm thi hành án, dân khổ sở

(PLO)- Pháp luật quy định bản án có hiệu lực phải được nghiêm chỉnh chấp hành nhưng người phải thi hành án vịn lý do chờ kết quả giám đốc thẩm nên chưa thi hành án được, dù đây không phải là căn cứ để hoãn thi hành án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gia đình bà Nguyễn Hoàng Bảo Châu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị thu hồi đất để thực hiện dự án mở đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn. UBND huyện Hóc Môn bồi thường không đúng loại đất (đất ở nhưng bồi thường giá đất nông nghiệp). Gia đình bà khiếu nại thì bị bác đơn nên đi kiện.

Chưa THA vì còn chờ kết quả giám đốc thẩm

Xử sơ thẩm năm 2021, TAND TP.HCM hủy toàn bộ quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất của gia đình bà Châu; hủy các quyết định trả lời đơn khiếu nại; hủy một phần các quyết định điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn và UBND huyện Hóc Môn kháng cáo nhưng TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên án sơ thẩm.

Nhà và đất mà gia đình bà Châu bị thu hồi. Ảnh: YC

Nhà và đất mà gia đình bà Châu bị thu hồi. Ảnh: YC

Án có hiệu lực pháp luật từ tháng 11-2022. Gia đình bà Châu nhiều lần gửi đơn đề nghị thi hành án (THA) nhưng UBND huyện Hóc Môn và chủ tịch UBND huyện Hóc Môn không thực hiện.

Đến ngày 28-2-2023, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn có văn bản trả lời đơn của gia đình bà Châu, nêu rằng UBND huyện Hóc Môn đã đề nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Do phải chờ kết quả nên UBND huyện chưa THA được.

Hơn một năm nay, nhà bị cưỡng chế, gia đình bà phải thuê nhà để ở. Việc UBND huyện Hóc Môn và chủ tịch UBND huyện Hóc Môn không THA ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình bà.

Gia đình bà Châu gửi đơn đề nghị TAND TP.HCM ra quyết định buộc UBND huyện Hóc Môn và chủ tịch UBND huyện Hóc Môn THA để gia đình bà sớm ổn định cuộc sống. TAND TP.HCM đã tiếp nhận đơn của gia đình bà Châu và đang xử lý.

Bản án có hiệu lực phải được nghiêm chỉnh chấp hành

TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Hiến pháp và pháp luật đã có các quy định về việc bản án có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh chấp hành; quy định về nguyên tắc khi THA hành chính; về việc xử lý trách nhiệm đối với người không THA.

Trong đó, Nghị định 71/2016 quy định trường hợp bản án hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính thì thời gian tự nguyện THA là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án. Nếu trong thời hạn tự nguyện mà người phải THA không chấp hành là hành vi chậm THA.

Theo Điều 311 Luật Tố tụng hành chính và Điều 11 Nghị định 71/2016 thì đối với án hành chính, khi hết thời hạn tự nguyện THA, cơ quan THA chỉ theo dõi việc THA; còn người được THA có quyền làm đơn đề nghị tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc THA hành chính.

Căn cứ Điều 7 Nghị định 71/2016, đối chiếu vụ án của gia đình bà Châu, chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (vừa là người đứng đầu UBND huyện Hóc Môn vừa là người phải THA) phải tổ chức thi hành bản án; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm THA...

Việc UBND huyện gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm không phải là căn cứ để hoãn hay đình chỉ THA. Do đó, việc UBND huyện Hóc Môn vịn lý do này để không THA là trái quy định pháp luật.

UBND huyện Hóc Môn chưa có phản hồi việc chậm THA

Từ ngày 28-4, PV đã liên hệ UBND huyện Hóc Môn để trao đổi về việc bản án có hiệu lực phải được nghiêm chỉnh chấp hành; đang chờ kết quả giám đốc thẩm không phải là căn cứ để hoãn THA...

Cơ quan này đã tiếp nhận các thông tin nhưng đến nay PV vẫn chưa nhận được phản hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm