Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột đã có văn bản đề nghị Nhà khách tỉnh Đắk Lắk (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) thi hành bản án yêu cầu hủy quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều đáng chú ý là lãnh đạo đương nhiệm của nhà khách chỉ đồng ý bồi thường một phần, trách nhiệm bồi thường phần còn lại bị đẩy cho người đã ký quyết định sa thải trái luật. Do đó, việc thi hành án bị kéo dài dù án đã có hiệu lực gần hai năm.
Nhà khách tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG |
Sa thải người lao động trái quy định
Theo nội dung bản án, từ năm 2010 đến 2017, bà Lê Thị Thu Nhung nhiều lần được Nhà khách tỉnh Đắk Lắk ký HĐLĐ có thời hạn. Tháng 3-2017, bà Nhung được lãnh đạo nhà khách cho nghỉ phép 15 ngày. Do bị đau mắt nên bà tiếp tục nghỉ kéo dài thêm năm ngày theo chỉ định của bác sĩ. Trước khi nghỉ, bà Nhung có trình bày lý do với những người quản lý ở nhà khách và được đồng ý.
Trong thời gian công tác, bà Nhung không vi phạm quy chế của nhà khách. Tuy nhiên, bất ngờ tháng 4-2017, nhà khách ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với bà Nhung. Lý do là bà Nhung tự ý nghỉ việc năm ngày trong một tháng; có những hành động, phát ngôn vi phạm quy chế làm việc áp dụng cho nhân viên của nhà khách.
Xét xử sơ thẩm ngày 14-4-2021, TAND TP Buôn Ma Thuột cho rằng việc nhà khách đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Nhung là không có căn cứ và trái luật. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu của bà về việc hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ, buộc nhà khách bồi thường 50 tháng lương, BHXH, bảo hiểm y tế (từ tháng 4-2017 đến khi tòa đưa vụ án ra xét xử vào tháng 4-2021), tổng cộng hơn 151 triệu đồng.
Người lao động và người sử dụng lao động đều không kháng cáo; bản án cũng không bị kháng nghị nên đã có hiệu lực từ giữa năm 2021.
Bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. TAND TP Buôn Ma Thuột buộc nhà khách bồi thường cho người lao động nên nhà khách phải có trách nhiệm thi hành bản án.
Đẩy một phần trách nhiệm cho người ký quyết định
Trao đổi với PV, bà Nhung cho biết đến nay nhà khách mới chi trả được 80 triệu đồng. “Tôi đã nhiều lần có đơn đề nghị thi hành bản án cũng như yêu cầu nhà khách, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chi trả quyền lợi… nhưng đến nay vẫn chưa được” - bà Nhung cho biết.
Về việc thi hành án, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo văn phòng là nhà khách có tài sản gì thì cứ để cơ quan thi hành án xử lý”.
Trong khi đó, lãnh đạo nhà khách cho biết nhà khách đã chi trả hơn 50% số tiền bồi thường. Phần còn lại thuộc trách nhiệm của người ký quyết định chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (tức là ông Trần Xuân Bảy, Giám đốc nhà khách, đã nghỉ hưu - PV).
“Theo các thông tư, nghị định hướng dẫn thì trong vụ kiện này nhà khách sẽ chi trả 50%, còn lại là trách nhiệm của người đứng đầu, là giám đốc cũ. Tôi là người tiếp nhận nhà khách về sau này nên không biết gì về chuyện này. Đề nghị cơ quan thi hành án làm theo quy định” - vị lãnh đạo nhà khách nói.
Về phía ông Trần Xuân Bảy, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Bảy cho biết ông đã nghỉ hưu. Các vấn đề về cơ quan (nhà khách), ông đã bàn giao hết. “Tôi không liên quan gì nữa. Cái đó (vụ kiện - PV) đưa ra tòa rồi, cứ theo quy định của pháp luật mà làm” - ông Bảy cho hay.
Trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành bản án
Hiến pháp, pháp luật đều có quy định về việc bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án.
Bản án có hiệu lực của TAND TP Buôn Ma Thuột buộc Nhà khách tỉnh Đắk Lắk (tổ chức) bồi thường cho người lao động, chứ không buộc cá nhân người ký quyết định sa thải bồi thường. Do đó, nhà khách có trách nhiệm thi hành bản án, bồi thường cho người lao động.
Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM