Phó Giám đốc Công an TP.HCM băn khoăn về quy định PCCC

(PLO)- TP.HCM từng ban hành quy định rất cụ thể về lĩnh vực PCCC và được Bộ Công an đánh giá cao, nhân rộng ra toàn quốc nhưng sau đó, quy định này lại bị Bộ Tư pháp 'tuýt còi'.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức dẫn đầu đoàn khảo sát Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM phục vụ thẩm tra dự án Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phó Giám đốc Công an TP.HCM băn khoăn về quy định PCCC ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức dẫn đầu đoàn khảo sát làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Thảo luận với đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM đi sâu vào vấn đề công nghiệp quốc phòng liên quan đến lĩnh vực PCCC.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, nhu cầu phương tiện PCCC ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là rất lớn. Các cơ quan chức năng phải bỏ ra chi phí cao để nhập các phương tiện hiện đại, trang bị cho lực lượng, phục vụ công tác PCCC.

Phó Giám đốc Công an TP.HCM băn khoăn về quy định PCCC ảnh 2

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM nêu ý kiến. Ảnh: THANH TUYỀN

Thế nhưng, bất cập ở chỗ việc trang bị phương tiện so với nhiệm vụ thực tế, người điều khiển các phương tiện chưa “ăn khớp”. Nhận thức về phương tiện cũng chưa được nâng lên.

“Nhiều người vẫn có suy nghĩ mua phương tiện đó về chứ không có khái niệm niên hạn bao nhiêu để bảo trì, thay thế. Thực tế hiện nay là hư tới đâu, sửa tới đó nhưng cũng không biết gì để sửa. Mỗi lần sửa phải nhờ đến chuyên gia, cũng không có cơ sở nào có thể đáp ứng năng lực sửa được các trang thiết bị hiện đại đó”- Thiếu tướng Hưởng nói.

Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, rất cần thiết có một cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng phù hợp.

Chưa kể, hiện Bộ Công an chỉ đạo tất cả nhà dân đều phải trang bị bình chữa cháy, nhưng không tính đến chuyện ai sản xuất để đáp ứng. Rồi đến khi bình chữa cháy hư, bột khô phải thay thì lấy đâu ra.

Nói tới quản lý nhà nước về PCCC, ông cho biết, trên 90% cơ sở kinh doanh sản xuất nhỏ, lẻ chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về an toàn PCCC.

“Vừa rồi doanh nghiệp kêu tháo gỡ khó khăn. TP chỉ đạo nhưng thật sự chúng tôi làm theo quy định của theo pháp luật chứ cũng không biết tháo gỡ kiểu gì”- ông nói và cho biết TP đã rất tích cực để phản ánh ý kiến lên bộ ngành, lập hai tổ công tác thường trực đi xuống cơ sở để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cho doanh nghiệp.

Nhiều năm trước, TP.HCM cũng từng ban hành quy định cụ thể quy định từng dạng nhà ở, sản xuất kinh doanh đáp ứng PCCC rất khoa học, bài bản từng trường hợp, sau đó đã được Bộ Công an đánh giá cao và nhân rộng toàn quốc.

"Thế nhưng sau đó Bộ Tư pháp 'tuýt còi', không biết sao mà làm. Lãnh đạo TP phải thu hồi lại quy định"- Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng nói và cho biết việc này gây khó cho công tác quản lý.

Phó Giám đốc Công an TP.HCM băn khoăn về quy định PCCC ảnh 3

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu tiếp đoàn. Ảnh: THANH TUYỀN

Chia sẻ thêm, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP. HCM, Thiếu tướng Lê Xuân Thế nói, TP.HCM hiện không có một doanh nghiệp, nhà máy quốc phòng nào mang tính nòng cốt. Hiện chỉ có cơ sở X50 hiện đang làm trong lĩnh vực đóng tàu. Còn lại hầu như chỉ có sản xuất quân trang, sửa chữa, trang bị thông tin…

Số lượng doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn nhiều, nhưng chủ yếu là vừa và nhỏ, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, và còn thiếu những công nghệ quan trọng cần cho nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng.

Phó Giám đốc Công an TP.HCM băn khoăn về quy định PCCC ảnh 4

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Lê Xuân Thế báo cáo với đoàn. Ảnh: THANH TUYỀN

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong đó có triển khai thực hiện Pháp lệnh động viên công nghiệp và Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng thời gian qua.

Ông yêu cầu các đơn vị nghiên cứu thêm để đưa vào dự thảo Luật nội dung tái cơ cấu, cơ chế, chính sách, chế độ đối với ngành công nghiệp quốc phòng- an ninh; vấn đề về thuế, quản lý sử dụng vốn, quản lý tài sản công, ngân sách, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức kết luận buổi làm việc. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức kết luận buổi làm việc. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông cũng mong muốn lãnh đạo TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, sở, ngành dưới góc độ lĩnh vực quản lý sẽ tiếp tục tham gia ý kiến để xây dựng dự án Luật một cách hiệu quả và khả thi.

Các kiến nghị, đề xuất của TP.HCM và các đơn vị trong quá trình khảo sát sẽ được Đoàn tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình xây dựng Luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm