TAND Tối cao vừa công bố bảy án lệ mới, trong đó có Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh mua bán người. Nguồn án lệ dựa trên Bản án phúc thẩm số 86/2022/HS-PT ngày 17-2-2022 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về vụ án mua bán người đối với các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C (mẹ nuôi của H).
Đưa phụ nữ trốn đi nước ngoài xem mắt rể ngoại
Nội dung án lệ, bị cáo có hành vi lừa gạt, hứa hẹn về lợi ích với bị hại, làm cho bị hại tin tưởng và tự nguyện theo bị cáo ra nước ngoài, sau đó giao cho người khác để nhận tiền. Trường hợp này, bị cáo phạm tội mua bán người chứ không phải tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Theo hồ sơ, H đăng bài vào một hội nhóm trên mạng xã hội Facebook với nội dung có rể người Trung Quốc (TQ) muốn lấy vợ Việt Nam thì được giới thiệu chị N muốn lấy chồng TQ.
H cùng C đến nhà chị N để trao đổi về việc lấy chồng TQ nhưng cha chị này không đồng ý. Dù vậy, chị N vẫn muốn sang TQ kết hôn nên vẫn liên lạc với H.
Sau khi chuẩn bị các giấy tờ, ngày 8-1-2020, H đưa chị N trốn sang TQ gặp một người đàn ông. Tuy nhiên, sau khi gặp mặt, chị N không đồng ý kết hôn nên H bảo chị ở lại nhà người đàn ông này chờ xem mặt rể khác.
Nếu không đồng ý, chị N phải trả toàn bộ chi phí đi lại mà H đã bỏ ra. Chị N đồng ý ở lại nhưng do chờ lâu mà không xem mặt được người khác nên đã đến nhà người quen ở tỉnh Quảng Tây (TQ) rồi trình báo công an địa phương để được về Việt Nam...
Xử sơ thẩm hồi tháng 4-2021, TAND tỉnh Hải Dương tuyên phạt bị cáo H chín năm tù, C bảy năm tù về tội mua bán người. Tòa còn buộc hai bị cáo phải bồi thường cho chị N số tiền 30 triệu đồng. Hai bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ, còn bị hại kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường.
Coi con người như một vật trao đổi để lấy tiền
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định hai bị cáo có động cơ, mục đích đưa phụ nữ Việt Nam sang TQ giao cho người khác để gả bán lấy tiền. Hai bị cáo không có chức năng môi giới trong việc lấy chồng người nước ngoài, không có ý thức đưa người trốn đi nước ngoài. Trong vụ án này, bị hại là chị N bị các bị cáo coi như một vật trao đổi để lấy tiền.
Theo tòa, phía bị hại cũng có một phần lỗi khi tự nguyện để hai bị cáo đưa sang Trung Quốc nhằm mục đích kết hôn với đàn ông nước sở tại, hy vọng được đổi đời, có cuộc sống sung túc hơn…
Giữa hai bị cáo có sự bàn bạc về việc đưa phụ nữ sang TQ để bán kiếm lời. C biết chị N không có đủ giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn đưa sang TQ, giao cho người khác để nhận tiền. C trình bày trước đây làm giúp việc ở Macau nhưng chỉ ở trong nhà, không biết đường đi lối lại nhưng vẫn nói với chị N rằng lấy chồng TQ sung sướng để dụ dỗ, lừa chị này đồng ý.
Căn cứ vào hành vi các bị cáo đã thực hiện, căn cứ vào hậu quả là chị N bị các bị cáo đưa sang TQ giao cho người khác để được nhận lợi ích vật chất là tiền, tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội mua bán người theo điểm d khoản 2 Điều 150 BLHS và áp dụng mức hình phạt theo khung hình phạt là phù hợp.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm có tình tiết giảm nhẹ mới là các bị cáo đã bồi thường cho bị hại, bị hại rút kháng cáo và trong vụ án này, phía bị hại cũng có một phần lỗi khi tự nguyện để H và C đưa sang TQ nhằm mục đích kết hôn với đàn ông nước sở tại, hy vọng được đổi đời, có cuộc sống sung túc hơn. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo H tám năm tù, C sáu năm tù.
Một án lệ khác
Cũng trong lần công bố án lệ này, TAND Tối cao đã công bố Án lệ số 65/2023/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội mua bán người. Án lệ này dựa trên Bản án sơ thẩm số 42/2018/HSST ngày 3-12-2018 của TAND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) về vụ mua bán người đối với bị cáo S cùng ba đồng phạm.
Án lệ này xác định do biết được các tàu đánh cá trên địa bàn cần nhiều người đi biển (ngư phủ) nên S đã liên kết với một đối tượng tìm người cung cấp cho các chủ tàu để hưởng tiền chênh lệch.
Sau khi đưa ra lời đề nghị cần lao động làm lơ xe với mức lương cao và được ba bị hại nhận lời, đối tượng này đã chở họ đến giao cho S để nhận tiền. Bị cáo S đã chỉ đạo ba đồng bọn thay phiên canh giữ các bị hại để mình tìm tàu đánh cá giao lại lấy tiền chênh lệch.
Tòa xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội.
Các bị cáo nhận thức được việc mua bán người là vi phạm pháp luật nhưng vì tư lợi cá nhân và lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại nên đã thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Từ đó, tòa tuyên phạt S bảy năm tù, ba bị cáo còn lại 3-6 năm tù về tội mua bán người.