TP Thủ Đức: 200 dự án đầu tư chưa bàn giao hạ tầng, chưa có hướng giải quyết

(PLO)- Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức cho biết còn hơn 200 dự án đầu tư chưa được bàn giao hạ tầng và người dân đang rất kêu ca nhưng chưa có cách để giải quyết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin được ông Lưu Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức, TP.HCM nêu tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức, TP.HCM nhiệm kỳ 2020- 2025, sáng 18-12.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đến dự hội nghị.

TP Thủ Đức: 200 dự án đầu tư chưa bàn giao hạ tầng, người dân kêu ca nhưng chưa có hướng giải quyết-TP-thu-duc-hoi-ngh-ban-chap-hanh.jpg
Hội nghị sáng 18-12. Ảnh: THANH THUỲ

Hạ tầng giao thông còn nhiều tồn tại

Một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm của người dân tại TP Thủ Đức là việc phát triển hạ tầng giao thông tương xứng với mục tiêu ban đầu đặt ra khi thành lập thành phố này. Trong năm 2023, TP Thủ Đức cũng đã nỗ lực tái khởi động nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng.

Báo cáo trước Bí thư TP.HCM, ông Lưu Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức cho biết, qua 4 tháng, ông nhận thấy TP Thủ Đức có quá nhiều tồn tại.

"TP Thủ Đức là cửa ngõ kết nối phía Đông của TP, có nhiều công trình được TP.HCM ưu tiên đầu tư với quy mô lớn nhưng hiện chưa phát triển tương xứng như Vành đai 2, 3, đường hầm Thủ Thiêm… Dù vậy, trong phạm vi dự án thì chỉnh chu nhưng ra ngoài các dự án này thì sự kết nối giữa các khu dân cư, giữa các phường thiếu sự đồng bộ, còn nhếch nhác. Công tác quản lý về hạ tầng còn nhiều bất cập, nhất là quá trình vận hành, duy tu"- ông Tấn nêu vấn đề.

Ông Tấn cũng nói thêm, TP.HCM có 3 khu vực ngập trọng điểm thì TP Thủ Đức có hết 2 khu vực là chợ Thủ Đức và tuyến đường Quốc Hương, phường Thảo Điền. Nhiều tuyến đường ngập nặng như Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Võ Văn Ngân…. “Thủ Đức có nhiều rốn ngập”- ông Tấn nhìn nhận.

Cạnh đó, nhiều sông, kênh rạch đang bị ô nhiễm, hệ thống nước thải xả thẳng trực tiếp ra môi trường.

TP Thủ Đức: 200 dự án đầu tư chưa bàn giao hạ tầng, người dân kêu ca nhưng chưa có hướng giải quyết-ogn-luu-van-tan-trung-tam-phat-trien-ha-tang-ki-thuat.jpg
Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức nêu nhiều vấn đề về hạ tầng tại Thủ Đức. Ảnh: THANH THUỲ

Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức cũng chia sẻ, TP Thủ Đức được thành lập với kỳ vọng trở thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông nhưng hiện vẫn chưa có sự phát triển tương xứng, rõ nhất là về hệ thống đèn chiếu sáng.

Toàn TP Thủ Đức có 35.000 đèn chiếu sáng, nhưng hiện chỉ có 5.700 đèn chiếu sáng là đèn LED tiết kiệm điện, chỉ đạt 16%. Nơi đây cũng chỉ có 115/1.139 tủ điều khiển hệ thống được kết nối về trung tâm quản lý. Vì vậy, ông cho rằng chưa thể gọi chuyển đổi số, đẩy mạnh việc quản lý hạ tầng và cũng chưa thể gọi là tương tác cao.

Một hiện trạng khác là Thủ Đức có hơn 200 dự án đầu tư chưa được bàn giao hạ tầng.

"Có vòng luẩn quẩn giữa chưa bàn giao và bàn giao nên không thể sử dụng vốn ngân sách để cải tạo, sửa chữa, duy tu hạ tầng như đường Nguyễn Hoàng, khu tái định cư Bình Khánh… Người dân đang rất kêu ca về hạ tầng nhưng chưa có cách để giải quyết”- ông Tấn nêu.

Từ đó, ông mong lãnh đạo cần có sự quan tâm, chỉ đạo về nội dung này với việc vận dụng hiệu quả Nghị quyết 98, Kết luận 14 và Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Bản thân ông Tấn với trách nhiện của mình đã nêu đề xuất cụ thể tại hội nghị.

"Trong những trường hợp với các dự án đầu tư tồn hàng chục năm, hạ tầng không được bàn giao dẫn đến hoang hoá, xuống cấp, hay còn vướng mắc về pháp lý… thì có cơ chế nào để tiếp nhận một phần, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, duy tu, bảo trì để phục vụ người dân, để những công trình ngày càng dân sinh hơn.

Như đường Nguyễn Hoàng chẳng hạn, dân kêu ca nhưng chưa sửa chữa được, chủ đầu tư thì đổ lỗi nhau, chính quyền thì khó xử lý. Hay nhiều dự án nhỏ, hẻm nhỏ tại TP Thủ Đức vẫn còn đá dăm, đường đất…"- ông Tấn nêu.

"Tại sao chúng ta có thể dành hàng ngàn tỉ đồng để làm dự án lớn, nhưng chỉ vài trăm triệu cải tạo một con hẻm thì lại khó?"

Ông Lưu Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức

Từ thực tế này, ông Tấn cho rằng, cần tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, tính toán hệ thống thoát nước để hoàn thành các dự án dù nhỏ nhưng gắn với đời sống người dân trước. Còn những dự án lớn luôn cần lộ trình lâu dài, nguồn vốn lớn thì tính toán sau.

Tại tờ trình về báo cáo kinh tế- xã hội năm 2023 và kế hoạch thực hiện năm 2024 mà UBND TP Thủ Đức trình lên hội nghị xem xét, TP Thủ Đức đặt mục tiêu trong năm 2024 là thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm năm 2024 với bảy công trình.

Trong đó có hai công trình liên quan đến hạ tầng giao thông gồm: xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông.

Năm chỉ tiêu không đạt năm 2023

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức đã phát biểu khai mạc hội nghị và cho biết có 5 chỉ tiêu quan trọng dự kiến không đạt trong năm 2023. Đó là chỉ tiêu về kết nạp đảng viên mới, thu ngân sách nhà nước, phân loại rác tại nguồn, phạm pháp hình sự và tai nạn giao thông.

Công tác quản lý ở một số lĩnh vực vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra như công tác quản lý đất đai (nhất là đất công), trật tự xây dựng, các vấn đề về giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Công tác xây dựng chính quyền đô thị, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng hoạt động công vụ chưa thật sự đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp, còn nhiều vấn đề cần quan tâm xử lý triệt để như tinh thần trách nhiệm cán bộ công chức, các quy trình, thủ tục hành chính còn chậm liên thông, phối hợp…

Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, đến nay TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành việc thành lập các đơn vị mới, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tên gọi và nhân sự các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành ủy, UBND TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế nhất định, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Ngay khi Nghị quyết 98 của Quốc hội được ban hành, đã có 2/3 cơ quan tại TP Thủ Đức là Phòng Giao thông Công chính và Trung tâm Hành chính công (ra mắt ngày 11-11), còn cơ quan Thanh tra Xây dựng chưa được thành lập.

Ở khối đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 98 cũng cho phép TP Thủ Đức thí điểm thành lập Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm