Kiên Giang quyết tâm cùng cả nước chống khai thác IUU

Kiên Giang quyết tâm cùng cả nước chống khai thác IUU

(PLO)- Kiên Giang đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp từ tuyên truyền đến xử lý nghiêm các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp để cùng cả nước chống khai thác IUU.

Để thực thi pháp luật trên biển, chống khai thác IUU, thời gian qua, Kiên Giang đã cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU.

Tuyên truyền, xử lý nghiêm minh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Kiên Giang quyết tâm cùng cả nước chống khai thác IUU
Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về việc chống khai thác IUU. Ảnh: CHÂU ANH

Đồng thời cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quyết tâm chính trị của tỉnh, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương.

Đến nay, tỉnh đã có 100% tàu cá đã được đăng ký và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 3.611 (chiếm 99,4%) trong tổng số 3.632 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên.

15 vụ/20 tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài trong năm 2023 đã được lực lượng BĐBP tỉnh Kiên Giang điều tra, xử lý. Từ việc xử lý nghiêm này, nhận thức trong việc chấp hành quy định về khai thác thủy sản của người dân được nâng cao.

Bên cạnh việc tuyên truyền cho nhân dân, nhất là ngư dân nắm rõ các quy định về đánh bắt hải sản, hiểu được tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không gỡ được thẻ vàng, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang còn phối hợp điều tra, xử lý nhiều vụ vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

“Lực lượng BĐBP đã và đang thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền từ thông tin đại chúng đến trực tiếp từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, tập trung tuần tra, kiểm soát các tàu cá ra vào cảng đều đảm bảo thủ tục” - Đại tá Nguyễn Trường Giang, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang, nói.

Chấm dứt tàu vi phạm vùng biển nước ngoài

Bên cạnh những kết quả đạt được, Kiên Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, tồn tại cần sớm khắc phục. Từ đó, quyết liệt xử lý, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, với quyết tâm chính trị cao nhất, Kiên Giang đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, giải quyết bốn vấn đề trọng tâm trong chống khai thác IUU.

BĐBP hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền

Ngoài việc tuyên truyền, xử lý vi phạm về đánh bắt hải sản, lực lượng BĐBP tỉnh Kiên Giang cùng với cả hệ thống chính trị cũng đã có nhiều hoạt động, động viên, hỗ trợ nhân dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền như thành lập tổ tàu thuyền an toàn, bến bãi an toàn.

nguyen-truong-giang-P23.jpg

BĐBP cũng đã có những hướng dẫn bà con khai thác đúng vùng biển Việt Nam. Bà con ngư dân cũng rất tích cực chủ động thông tin cho lực lượng BĐBP và lực lượng chức năng của tỉnh.

Qua đó, trường hợp tàu của Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài cũng giảm dần qua các năm.

Đại tá NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang

Trong đó, Kiên Giang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để cảnh báo của EC; tổ chức điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm khai thác IUU; tập trung mọi nguồn lực xử lý dứt điểm tàu cá “ba không”; triển khai tổ chức đồng bộ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác qua hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử…

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức trực theo dõi, giám sát tàu cá lắp đặt VMS hoạt động 24/24 giờ trên hệ thống giám sát hành trình; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá; kiểm soát và giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác qua cảng; tuân thủ nghiêm quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…

Ngoài ra, Kiên Giang đề nghị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5) và lực lượng tỉnh Kiên Giang mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tại vùng khơi biển Kiên Giang và các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực từ nay đến ngày 15-9.

Từ đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU tại vùng khơi biển Kiên Giang, đặc biệt ngăn chặn và chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.•

*******************************************

Ý KIẾN:

Ông NGUYỄN THANH NHÀN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:

Ứng dụng công nghệ vào quản lý và xử lý

P23_Chan-trang_NGUYEN-THANH-NHAN.jpg

Sắp tới, Kiên Giang thực hiện Đề án đồng bộ dữ liệu dân cư và dữ liệu tàu cá; triển khai các phần mềm quản lý, trong đó có phần mềm truy xuất nguồn gốc tại các cảng, các cơ sở dữ liệu đồng bộ với hệ thống cảng của quốc gia.

Địa phương cũng đang triển khai thực hiện Đề án điều tra khảo sát, phân vùng khai thác, cơ cấu lại đội tàu. Đề án này hướng đến mục tiêu từng bước giảm dần đội tàu, qua đó hạn chế sai phạm của người dân trong khai thác hải sản.

........................

Ông LÊ MINH, cơ sở thu mua hải sản ở Kiên Giang:

Thủy hải sản bị gắn thẻ vàng không có lợi cho người thu mua

P23_Chan-trang_LE-MINH.jpg

Nguồn lợi thủy sản hiện đã cạn kiệt, kèm theo việc bị gắn thẻ vàng nên đời sống của ngư dân nói chung gặp nhiều khó khăn. Thủy sản không xuất đi được nên giá cả rất bấp bênh. Tàu nào vi phạm bị bắt thì coi như không còn cơ hội làm nghề nữa.

Những người thu mua thủy sản như chúng tôi cũng không tốt hơn mấy. Chỉ mong mọi người cùng chung tay với Nhà nước tháo gỡ thẻ vàng để hải sản xuất khẩu sang châu Âu thì cuộc sống mới ổn định hơn được.

.....................

Ông ĐỖ HOÀNG VIỆT, Ban quản lý cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang:

Tàu trước khi cập cảng phải báo trước

P23_Chan-trang_TRUONG-DONG-XUAN.jpg

Ban quản lý cảng cá cùng các lực lượng chức năng phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc tàu xuất nhập cảng, truy xuất nguồn gốc hải sản.

Theo đó, tàu trước khi cập cảng phải báo trước. Chủ tàu hay chủ thu mua phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp, nhật ký đánh bắt, sau khi ngành chức năng kiểm tra, đối chiếu trên hệ thống VMS nếu phù hợp sẽ cho tàu cập cảng và bốc dỡ hàng hóa.

Ban quản lý cảng cá cũng cử người tham gia giám sát chặt chẽ việc bốc dỡ hàng hóa qua cảng để đảm bảo cho việc cấp chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản.

......................................................

Hôm nay, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Kiên Giang

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với bà con ngư dân Kiên Giang với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Hôm nay (6-7), Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM đến Kiên Giang, cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Kiên Giang là địa phương có biển thứ 14 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của chương trình; lãnh đạo tỉnh Kiên Giang; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện các cơ quan thực thi pháp luật trên biển cùng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và đông đảo bà con ngư dân địa phương.

Chiều nay, tại hội trường UBND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang diễn ra hội thảo “Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng của EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cùng các chuyên gia, bà con ngư dân.

Sau đó, Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ trao tặng 200 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 6 triệu đồng) gồm: Bình ắc quy, bóng đèn LED, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin Con Ó, bình lọc nước sạch uống trực tiếp, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng. Đồng thời, Ban Tổ chức trao tặng 25 suất học bổng cho các học sinh là con em của các gia đình ngư dân vượt khó học giỏi.

Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến với 13 tỉnh, TP gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, dự kiến sẽ diễn ra tại 28 tỉnh, TP giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.

BAN TỔ CHỨC

Đọc thêm