Ngư dân Phú Yên quyết tâm chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt

(PLO)- Ngư dân Phú Yên mong muốn nhà nước tiếp tục có chính sách để hỗ trợ bà con bám biển, vươn khơi. Đó không chỉ là duy trì sinh kế cho ngư dân mà còn là để giữ vững chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-8, trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức đang diễn ra tại tỉnh Phú Yên, Ban Tổ chức chương trình đã đến thăm hỏi, động viên ba gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên để mưu sinh, luôn tuân thủ tốt việc đánh bắt hải sản trên biển.

Video: Ngư dân Phú Yên quyết tâm chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt

Đoàn đến thăm các gia đình ngư dân có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch danh dự của chương trình; Ủy viên Trung Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương; Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước...

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch danh dự của chương trình thăm hỏi ngư dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch danh dự của chương trình thăm hỏi ngư dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngư dân ra khơi, bám biển cũng là giữ gìn chủ quyền biển, đảo

Hai mươi năm qua, ông Bùi Văn Xông (60 tuổi) vẫn miệt mài ra khơi, đánh bắt cá ngừ đại dương để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Biển cả vô chừng, sản lượng đánh bắt không nhiều như trước, giá cá hạ, nguồn thu giảm, ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của gia đình ông.

Cuộc sống càng khó khăn hơn khi vợ ông bệnh, phải nằm viện nửa năm nay. Thương vợ, ông Xông nghỉ biển, ở nhà chăm lo mọi sinh hoạt cho bà.

Ngư dân Phú Yên quyết tâm chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt ảnh 2

Đoàn thăm, tặng quà cho ngư dân Bùi Văn Xông. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đôi vai của người đàn ông xứ biển càng nặng trĩu khi mấy hôm nay phải chạy ngược chạy xuôi để kiếm cho được 30 triệu đồng, lo cho đứa con trai chuẩn bị vào đại học ở TP.HCM.

“Con muốn đi học thì mình phải lo cho nó. Dù khó thì vẫn phải cho con đi học đàng hoàng” - ông Xông nói, ánh mắt đượm đầy nỗi lo. Nói thì nói vậy nhưng hỏi đã mượn được ai chưa, thì ông lắc đầu.

Làm biển từ khi chỉ 15 tuổi, ông Trần Văn Phận (năm nay 51 tuổi) cũng bám biển để sống. Tiếp đoàn trong căn nhà mà hai vợ chồng dành dụm suốt 30 năm để gầy dựng, bà Huỳnh Thị Xuyến, vợ ông Phận nói suốt những năm đó, hai vợ chồng ông trải qua không ít khó khăn, kiên trì bám biển.

“Thời điểm đó anh là bạn thuyền đi cùng chủ tàu khác, muốn mua tàu làm riêng cũng khó vì số tiền quá lớn. Có dành dụm, vợ chồng tôi vẫn chạy vạy khắp nơi để sắm cho được chiếc tàu. Sắm rồi thì phải miệt mài làm để trả nợ, lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn” - chị Xuyến nhớ lại.

Năm 2015, chiếc tàu đầu tiên của ông Phận ra khơi sau bao nỗ lực của hai vợ chồng. “Mình chăm chỉ thì biển cả không phụ, dù có lúc cũng không như mong đợi nhưng cứ kiên trì thì biển sẽ không phụ mình” - bà Xuyến nói.

30 năm sống nhờ biển, ông Huỳnh Rịn (75 tuổi) đã nghỉ biển vài năm nay vì sức khoẻ không cho phép. Hai người con trai tiếp tục công việc thay ông, chủ yếu cũng đánh bắt cá ngừ.

Ngư dân Huỳnh Rịn vui mừng khi xem quà do chương trình trao tặng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngư dân Huỳnh Rịn vui mừng khi xem quà do chương trình trao tặng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Rịn nói, nhiều năm trước nguồn thu từ biển còn nhiều nhưng gần đây thu nhập rất bấp bênh vì giá nhiên liệu tăng, giá cá ngừ hiện nay giảm sâu, không thu lời được nhiều. “Chuyến nào đi về không lỗ đã là mừng”- ông Rịn nói.

Theo ông Rịn, nhiều năm nay, ý thức đánh bắt thuỷ hải sản của ngư dân tỉnh nhà đã được nâng lên rất nhiều. Chính quyền các cấp, địa phương và lực lượng cảnh sát biển luôn tuyên truyền cho ngư dân hiểu luật, vươn khơi đúng luật; không xâm lấn đến vùng biển của nước bạn, không vi phạm luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi đi đánh bắt mà gặp vấn đề gì hay các tàu lạ gây hấn đều báo tin để lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và biên phòng hỗ trợ nên rất yên tâm” - ông Rịn nói.

Ngư dân Phú Yên quyết tâm chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt ảnh 4

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước nói về phần quà mà báo trao tặng cho ngư dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Rịn chia sẻ, sở dĩ ngư dân có thể bám biển lâu dài là nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước. Dù vậy, cuộc sống của ngư dân vẫn nhiều khó khăn, họ không đủ vốn để sắm tàu, ngư cụ đi biển, hay thu nhập thấp cũng khiến mọi sinh hoạt trong gia đình cũng ít nhiều xáo trộn.

“Ngư dân chúng tôi ngoài việc mong được hỗ trợ để mưu sinh, lo cho gia đình thì cũng đau đáu với vấn đề biển, đảo lắm. Vùng biển, vùng trời của nước mình thì mình phải giữ. Ngư dân ra khơi cũng là để bám biển, giữ biển. Chúng tôi mong sẽ có nhiều chính sách hơn nữa để giúp ngư dân, cũng là để động viên ngư dân cùng giữ gìn biển đảo"- ông Rịn chia sẻ.

Chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU

Thăm hỏi và chia sẻ với gia đình ngư dân, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã động viên các ngư dân cố gắng bám biển đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế; vươn khơi xa vừa để tăng thu nhập, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước chia sẻ, trước đây, đã có tình trạng một số ngư dân đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, đánh bắt trái phép nên bị châu Âu gắn thẻ vàng IUU. Chính phủ đã có Kế hoạch hành động để tháo gỡ thẻ vàng IUU và để làm được, rất cần sự chung tay của ngư dân.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” được thực hiện với mục tiêu tuyên truyền cho ngư dân bám biển hiểu đúng luật về đánh bắt trên biển, làm sao để có thể sớm gỡ được thẻ vàng IUU.

Ngư dân Phú Yên quyết tâm chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt ảnh 5
Đoàn thăm và tặng quà cho gia đình ông Trần Văn Phận và vợ là Huỳnh Thị Xuyến. Ông Phận đã đi biển hơn 1 tháng nay. Ảnh: HOÀNG GIANG.

Báo cũng đã tặng 200 phần quà tại mỗi tỉnh cho ngư dân. Trong đó, bình ắc quy để giữ máy định vị khi đánh bắt dài ngày trên biển, túi thuốc dùng trên biển gồm hướng dẫn đi kèm, cuốn cẩm nang luật biển sẽ giúp ngư dân hiểu rõ quy định loại hải sản nào được đánh bắt, khi gặp sự cố thì xử lý ra sao, cùng một chiếc áo phao cứu hộ…

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng tặng thêm phần quà là dầu gió cho các ngư dân đi biển.

Nằm trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, tại tỉnh Phú Yên, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức diễn đàn “Đáp lời ngư dân” diễn ra vào sáng nay, 29-8, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên cùng 50 gia đình bà con ngư dân.

Đây là diễn đàn để “ngư dân hỏi - chính quyền đáp” liên quan đến đời sống, sinh kế, hoạt động kinh tế, đánh bắt thủy hải sản tại các tỉnh, thành có biển. Quý bà con ngư dân có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; bày tỏ sự ủng hộ với các chính sách, chủ trương, hoạt động hiệu quả từ chính quyền; phản ánh những khó khăn, bất cập liên quan đến đời sống bám biển. Chính quyền có thể ghi nhận, trả lời, đưa ra những định hướng xử lý và qua đó xem xét phát huy các cơ chế, chính sách hiệu quả; điều chỉnh các cơ chế, chính sách còn hạn chế, nhằm mang lại lợi ích cho ngư dân tốt hơn.

Chương trình cũng sẽ tổ chức thăm hỏi các gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiêu biểu; tặng 200 phần quà, mỗi phần trị giá hơn 4 triệu đồng cho 200 hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên, bao gồm một bình ắc-quy + đèn led, một cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, một túi thuốc gia đình phục vụ cho ngư dân ra khơi và một hộp combo pin Con Ó cùng thực phẩm cần thiết khác.

Chương trình còn tặng 25 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi (mỗi suất học bổng gồm 2 triệu đồng tiền mặt, tập vở, dụng cụ, balô học sinh…).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm