Ông Omer Celik, phát ngôn viên đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 6-4 cho biết với việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đảm bảo an ninh cho nước mình mà còn cho cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
"Chúng tôi mua hệ thống phòng không tầm xa S-400 để bảo vệ biên giới của chính mình khỏi những cuộc tấn công từ Syria. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc biên giới NATO và EU được phòng thủ", ông Celik phát biểu trong buổi họp báo ngày 6-4.
Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Vị quan chức trên lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ buộc tìm kiếm lựa chọn khác để tăng cường năng lực phòng không của nước mình sau khi “một số đồng minh NATO” rút hệ thống Patriot của họ khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Celik nói vì động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ có rất ít khả năng đáp trả các tên lửa được phóng từ lãnh thổ Syria và không đối tác nào đưa ra đề nghị với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn các cuộc tấn công tiếp theo.
Ông Celik chỉ trích phương Tây thực hiện tiêu chuẩn kép. Ông lưu ý một đồng minh NATO khác là Hy Lạp sở hữu hệ thống S-300 do Nga sản xuất nhưng không gặp vấn đề gì, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại gặp nhiều cản trở khi cố gắng mua hệ thống S-400.
Ông Celik lập luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có chủ quyền và thật sai lầm khi “ra lệnh” cho nước này được hay không được sử dụng hệ thống phòng không của Nga.
"Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên NATO. Hy Lạp đang vận hành tên lửa S-300 do Nga chế tạo và chúng tôi cũng sẽ sở hữu hệ thống S-400. Tại sao hợp đồng mua S-400 lại trở thành vấn đề? Thổ Nhĩ Kỳ là nước có chủ quyền, thật sai lầm khi cấm chúng tôi sử dụng tên lửa S-400", ông Celik nói.
Ngoài ra, ông Celik lặp lại các tuyên bố trước đó của Tổng thống Erdogan rằng Ankara chọn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bởi Mỹ đưa ra nhiều điều kiện không phù hợp khi Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ý mua hệ thống Patriot của Mỹ, tái khẳng định các hệ thống S-400 sẽ được bàn giao vào tháng 7 và Ankara sẽ không hủy hợp đồng
Washington lo ngại hệ thống S-400 sẽ không tương thích với mạng lưới phòng không của NATO và S-400 sẽ phơi bày những điểm yếu của tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất.
Mỹ trong hơn năm qua đã tích cực tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ mua hệ thống S-400 với Nga. Trong động thái mới đây nhất, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ra “tối hậu thư” cho Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này hoặc chọn mua S-400 hoặc ở lại NATO.