Theo đó, từ 5h22’ ngày 1-5, cơ quan chức năng VN đã phát hiện giàn khoan HD-981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của TQ di chuyển từ phía Tây Bắc đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, xuống phía Nam. Khi phát hiện các phương tiện này có dấu hiệu xâm phạm vùng biển của ta, ngoài việc cảnh báo, kêu gọi trên thực địa, phía VN đã nhiều lần trao đổi qua đường ngoại giao với TQ.
Đến nay, Bộ Ngoại giao VN đã có 08 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía TQ tại Hà Nội và Bắc Kinh. Trong số này có hai cuộc điện đàm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, và của Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của VN Hồ Xuân Sơn với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Trung Quốc, Lưu Chấn Dân.
Tất cả các cuộc giao tiếp này, phia VN đều phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD 981.
Đại diện Bộ Ngoại giao ta cũng đã triệu Đại biện Đại sứ quán TQ tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Ngoài kênh ngoại giao, ta cũng tiến hành tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng VN với tùy viên quân sự Đại sứ quán TQ tại Hà Nội. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN cũng đã gửi thư cho Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) – đơn vị quản lý và vận hành giàn khoan HD981.
Qua các giao thiệp ngoại giao, các kênh tiếp xúc nói trên, phía VN đề nghị TQ giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).