Ngân sách quân sự 188 tỷ USD của Trung Quốc đã vượt xa ngân sách 49 tỷ USD của Nhật Bản, đối thủ lớn nhất của nước này ở châu Á.
Theo trang Business Insider, quân đội Trung Quốc cũng có quy mô lớn hơn quân đội Nhật Bản rất nhiều, với nhiều vũ khí khí tài hơn và 2,3 triệu quân thường trực so với 58.000 binh sĩ của Nhật Bản.
Trên bảng xếp hạng của trang quân sự Global Firepower, thuần túy xét về số lượng, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ và Nga và ở trong khi Nhật Bản đứng thứ 10.
Nhưng liệu quân đội Trung Quốc có thực sự mạnh hơn quân đội Nhật Bản?
Các binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản. |
Trước tiên là bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào giữa Trung Quốc và Nhật bản đều có thể lôi kéo Mỹ, đồng minh siêu cường của Nhật Bản vào tham chiến. Mỹ và Nhật Bản đã kí kết một hiệp ước quân sự và theo chính Tổng thống Barack Obama, quân đảo Senkaku/Điếu Ngư và Nhật – Trung đang tranh chấp thuộc phạm vi của hiệp ước này. Theo đó, Mỹ có nghĩa vụ đứng về phía Nhật Bản nếu một quốc gia nào tấn công quần đảo này.
Tuy nhiên, chỉ cần riêng quân đội Nhật Bản cũng có lợi thế về chất so với Trung Quốc.
Theo tác giả Kyle Mizokami trên trang War Is Boring, đa số vũ khí của Trung Quốc đều đang hư hỏng ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Chỉ có 450 trong tổng số 7.580 xe tăng của Trung Quốc là ở gần mức hiện đại.
Ngoài ra, chỉ 502 trong tổng số 1.321 máy bay chiến đấu của Trung Quốc là có năng lực, còn lại là các máy bay từ thời Liên Xô vào những năm 1970 được tu sửa. Chỉ một nửa số tàu ngầm của Trung Quốc được chế tạo trong giai đoạn 20 năm trở lại đây.
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, là một tàu sân bay thời Liên Xô vào những năm 1980 được tu sửa lại và quá nhỏ để cho các máy bay tầm xa cất cánh hoặc hạ cánh. Con tàu này có thể sẽ chỉ giới hạn hoạt động ở gần bờ biển Trung Quốc.
Trong khi đó, Nhật Bản đã được Mỹ cung cấp các thiết bị quân sự tiên tiến. Trong những năm tiếp theo, Tokyo sẽ mua thêm các tàu khu trục tên lửa mới, tàu ngầm tên lửa, tàu đổ bộ, máy bay do thám không người lái, máy bay chiến đâu và trực thăng V-22 Ospreys từ Mỹ. Dự kiến Nhật Bản cũng sẽ nhận loạt máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại F-35 vào tháng 3/2017.
Tờ Hoàn Cầu dẫn một báo cáo từ trang Kanwa Asian Defense, F-35 là “cơn ác mộng” của tàu sân bay Liêu Ninh bởi lẽ F-35 có thể tấn công Liêu Ninh bằng tên lửa khó đánh chặn từ khoảng cách an toàn 290km. Máy bay F-35 cũng có thể phát hiện và tấn công J-15, loại chiến đấu cơ chính của Trung Quốc trước khi F-35 bị ra đa Trung Quốc phát hiện.
Các hòn đảo Nhật Bản cũng được hệ thống phòng thủ tên lửa với tên lửa SM-3 và tên lửa đánh chặn Patriot-3 hiện đại bảo vệ. Những tên lửa này có khả năng bắn hạ một tên lửa đạn đạo ở cả trong và ngoài bầu khí quyển Trái Đất.
“Nhật Bản có lực lượng hải quân và không quân mạnh nhất ở châu Á và chỉ sau Mỹ”, Tiến sĩ Larry M. Wortzel, Chủ tịch công ty tư vấn quốc phòng Asia Strategies and Risks (Chiến lược và rủi ro ở châu Á), nhận định.
“Họ vẫn bị điều 9 Hiến pháp cấm khơi mào chiến tranh nhưng có lẽ không ai muốn “gây sự với họ đâu”, ông nói thêm.
Mặc dù quân đội Nhật Bản có lợi thế về chất lượng nhưng Tokyo không thể coi thường quân đội Trung Quốc với qui mô lớn, tốc độ mở rộng và hiện đại nhanh. Trong khi đó, lần đầu tiên Nhật Bản mở rộng quân đội là cách đây 40 năm.
Theo TÙNG LÂM/Infonet