Bởi lẽ thực tế hiện nay nợ công vẫn do ba cơ quan cùng quản lý. Đó là Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Lúc thảo luận tổ hồi tháng 5-2017, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói thẳng: “Tồn tại lớn nhất về QLNC là gì? Đó là ba cơ quan cùng QLNC. Một người đàm phán đi vay, một người cho vay và một người trả nợ. Không có quốc gia nào giống chúng ta”.
Nhiều đại biểu QH khi thảo luận về dự luật QLNC cũng đồng tình với Chủ tịch QH.
Nói thế để thấy rằng quy nợ công về một mối là rất phức tạp và khó khăn đến nỗi qua bao lần chỉnh sửa tới lui; cho ý kiến, tiếp thu rồi lại chỉnh sửa mà vẫn chưa có hướng mở.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề đó nếu được quy định tường minh trong luật thì chắc chắn nút thắt vấn đề sẽ được giải quyết. Bởi lẽ như một điều tất yếu, không có bất cứ cơ quan và tổ chức nào được đứng trên pháp luật. Tuy vậy, không phải lúc nào những điều đơn giản cũng được thực thi một cách chuẩn tắc.
Dường như vẫn có một lực cản nào đó khiến nguyên lý “một việc chỉ giao cho một cơ quan” vẫn chưa được thực thi. Ít nhất là đối với dự luật QLNC được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ QH chiều 12-9.
“Trước đây bị phê bình là luật khung, luật ống, không cụ thể nên khó thực hiện. Sau này rút kinh nghiệm, phải quy định ai làm gì, chịu trách nhiệm thế nào. Nay đọc dự thảo này, tôi thấy bộ trưởng Bộ Tài chính không tiếp thu gì. Nội dung vẫn như cũ, thậm chí còn thụt lùi. Tôi thống nhất ý kiến của đa số Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Tôi không đồng ý bản giải trình của Chính phủ”.
Những lời thẳng thắn này của Chủ tịch QH chiều 12-9 không biết có xoay chuyển tình hình và kỳ họp tới QH có được thảo luận một dự luật QLNC có chất lượng hay không. Chỉ một điều cần phải suy nghĩ khi chính Chủ tịch QH lưu ý rằng: “Tất cả phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích chung”.
Nhưng vẫn còn đó những lo ngại. Bởi như chính Chủ tịch QH hồi tháng 5-2017 đã nói về những bất hợp lý của QLNC rằng: “Cái gì cho ai làm quen rồi, khó nhả ra lắm”.
Chỉ khi nào các bộ, ngành chịu “nhả ra” những việc quản lý không cần thiết thì khi đó một đầu mối QLNC mới không phải là quá lớn. Khi đó lợi ích cục bộ của các bộ, ngành sẽ không thể vượt trên lợi ích của quốc gia vì đó là nền tảng của phát triển bền vững.