“Có những vấn đề thiếu thông tin, thiếu hiểu biết thì xin phép Quốc hội (QH) được trả lời thêm bằng văn bản. Có những vấn đề lớn, phức tạp, không thể trả lời ngay sẽ báo cáo chuyên đề với QH nhằm giải quyết triệt để hơn… vì rất có thể cần đến thẩm quyền của QH”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu phần trả lời chất vấn của mình như vậy, mang lại cho các đại biểu (ĐB) QH cảm giác về sự chân thành.
Trong suốt phiên chất vấn ấy, Bộ trưởng Hùng đã nhã nhặn, kiên trì kiến giải tất cả câu hỏi, vấn đề mà ĐB đặt ra cho mình.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng vậy. Dù không nói ra nhưng qua thái độ cùng nội dung trả lời đã toát lên sự cầu thị khi tiếp thu nghiêm túc những vấn đề mà các ĐB nêu. Bà cũng thừa nhận có hạn chế khi giải trình là “có những vấn đề mà Bộ Nội vụ đúng là chưa thể chế hóa kịp hoặc chưa kịp thời báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo quyết liệt hơn nhằm đạt hiệu quả cao hơn”.
Việc các bộ trưởng chân thành khi trả lời chất vấn trước QH đông đảo không phải là điều đáng bàn. Bởi Chính phủ là cơ quan chấp hành của QH thì việc các thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn một cách thành thực là lẽ đương nhiên.
Vấn đề là quản trị quốc gia không thể một vai Chính phủ gánh vác hết thảy, mà rất nhiều vấn đề mới phát sinh, mới xuất hiện, khi đạt đến độ chín, độ phổ biến thì nhiều khi phải cần đến thẩm quyền của QH mới giải quyết được.
Trình bày của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên chất vấn cho thấy rõ điều đó. Việc xây dựng, chia sẻ dữ liệu từ trung ương đến địa phương cũng có những cái vướng, thậm chí vướng ở cấp độ “luật”. Hoặc việc ứng dụng công nghệ để phạt nguội “câu hỏi đặt ra là có dám triển khai kể cả khi trái với quy định hiện hành, chưa phù hợp hay không?”.
TS Nguyễn Đình Cung từng bày tỏ quan điểm: Những hạn chế, yếu kém của Chính phủ có trách nhiệm của QH. Bởi Chính phủ không thể cải cách vượt trần những gì luật ban hành.
Vậy nên chất vấn, trả lời chất vấn như hai ngày qua rất cần sự chân thành, cầu thị từ chính các bộ trưởng - thành viên Chính phủ và cả lãnh đạo Chính phủ.
Nhưng bên cạnh thúc đẩy trách nhiệm hành pháp thì cũng rất cần sự chân thành, phối hợp “đúng vai, thuộc bài” của từng ĐBQH, các cơ quan và cả lãnh đạo QH.
Có như vậy quyền lực Nhà nước trong mô hình pháp quyền XHCN mới được vận hành một cách hiệu quả nhất, mang lại động lực có tính thể chế, thúc đẩy đất nước phát triển lành mạnh, bền vững.