Quảng Nam: Dự án 'gắn mác' nghĩa trang để tận thu đất

(PLO)- Sau khi doanh nghiệp tận thu 400.000 m3 đất tại dự án nghĩa trang nhân dân Nỗng Tranh thuộc huyện Quế Sơn, Quảng Nam buộc tạm dừng để thanh tra.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau nhiều năm triển khai thi công dự án Nghĩa trang nhân dân Nỗng Tranh (nay là xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) doanh nghiệp đã tận thu khoảng 400.000 m3 đất thì bị tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thanh tra toàn diện.

"Gắn mác" nghĩa trang để tận thu khoảng sản

Do không có nghĩa trang, xã Quế Cường (nay sáp nhập với xã Phú Thọ thành xã Quế Mỹ) không hoàn thành tiêu chí về môi trường-vệ sinh an toàn thực phẩm để đạt nông thôn mới.

Mặt bằng dự án nghĩa trang Nỗng Tranh nham nhở. Ảnh: TN
Mặt bằng dự án nghĩa trang Nỗng Tranh nham nhở. Ảnh: TN

Tháng 5-2016, UBND xã Quế Cường lập tờ trình đề nghị UBND huyện Quế Sơn thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nghĩa trang nhân dân Nỗng Tranh tại thôn Phú Cường 1.

Đến tháng 6-2016, UBND huyện Quế Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có quy mô 10 ha trên khu vực đồi núi cao do UBND xã Quế Cường làm chủ đầu tư. Kinh phí dự toán dự án gần 10 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn tận thu nguyên liệu trong quá trình san lấp mặt bằng của dự án và huy động các kênh khác.

Đến tháng 10-2018, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho công ty TNHH MTV Quảng Phú là đơn vị trúng thầu, lập các thủ tục về việc khai thác tận thu đất dư thừa của dự án.

Tháng 1-2020, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục cho phép công ty này khai thác khoáng sản san lấp, xây dựng công trình dư thừa trong quá trình thi công xây dựng nghĩa trang. Trữ lượng khai thác hơn 1,1 triệu m3 với thời hạn 52 tháng kể từ ngày được cấp phép.

Ghi nhận của PV, khu vực dự án này vắng bóng xe cộ, được đào xới nham nhở, có nơi sâu hơn vị trí ban đầu hơn 10 m. Mặt bằng dự án lồi lõm, hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ nằm văng vãi. Nhìn bằng mắt thường, nhiều vị trí đã bị đào sâu hơn hiện trạng ban đầu cả chục mét để tận thu đất, tạo mặt bằng.

Nhiều vị trí đã bị đào sâu hơn hiện trạng ban đầu cả chục mét để tận thu đất

Nhiều vị trí đã bị đào sâu hơn hiện trạng ban đầu cả chục mét để tận thu đất. Ảnh: TN

“Đơn vị thi công ồ ạt đưa xe cộ vào múc đất đá đem đi bán. Mấy năm như vậy, giờ thì hoang phế thế này, chẳng thấy nghĩa trang nào” - ông NVD (ngụ xã Quế Mỹ) ngao ngán nói.

Tận thu xong 400.000 m3 thì đất bất ngờ 'gặp khó'

Ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay dự án triển khai xây dựng vào năm 2019. Xuất phát từ việc khoan địa chất, đánh giá không chính xác dẫn đến đơn vị thi công gặp khó khăn do bị vướng nhiều đá trong quá trình làm mặt bằng.

Theo ông Sơn, quá trình thi công, người dân phản ánh doanh nghiệp đào nền sâu hơn với phê duyệt, xảy ra tranh chấp đất giữa người dân và chính quyền. Bên cạnh đó, mặt bằng quá nhiều đá, sau này rất khó thực hiện chôn cất. Nghi ngờ tính khả thi của dự án nên huyện yêu cầu tạm dừng thi công.

“Qua phản ánh của người dân, tôi đã chỉ đạo tạm dừng để báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến, cho thanh tra toàn diện đối với dự án này. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh” - ông Sơn nói.

Huyện Quế Sơn yêu cầu tạm dừng dự án, xin ý kiến tỉnh chỉ đạo thanh tra toàn diện
Huyện Quế Sơn yêu cầu tạm dừng dự án, xin ý kiến tỉnh chỉ đạo thanh tra toàn diện. Ảnh: TN

Được biết, đây là dự án tai tiếng tại Quảng Nam, người dân từng đặt nghi vấn “vẽ” dự án để khai thác đất đá trá hình. Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho rằng ông thuộc thế hệ lãnh đạo kế thừa, nhưng thấy “một số vấn đề không được hợp lý”.

“Sau khi có kết luận thanh tra, tỉnh chỉ đạo tiếp tục thì tiếp tục, dừng hoặc chuyển đổi công năng thì huyện sẽ thực hiện. Tôi bây giờ kế thừa, dự án đang làm lỡ dở, thấy tiến cũng không ổn mà lùi cũng không xong. Phải chờ kết luận thanh tra!” - ông Sơn nói tiếp.

Theo ông Sơn, dự án đã triển khai khoảng 50% khối lượng, nhà thầu cũng đã tận thu khoảng 400.000 m3 đất, còn đá thì nằm ngổn ngang ở công trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm