Quốc hội hoàn thiện chính mình

(PLO)- Những đổi mới thực sự ở QH sẽ ít nhiều lan tỏa, thúc đẩy dân chủ cũng như duy trì trật tự kỷ cương, trước hết trong vận hành quyền lực nhà nước và từ đó lan tỏa ra cả hệ thống chính trị.

Căn cứ Hiến pháp và các luật liên quan, Quốc hội ban hành nội quy để hướng dẫn, điều chỉnh trực tiếp hành vi, trách nhiệm của chính đại biểu Quốc hội cũng như các chủ thể Nhà nước có trách nhiệm trong việc thực hiện nguyên tắc “phân công, phối hợp, kiểm soát” quyền lực.

Trong dòng chảy vận hành quyền lực ấy, Quốc hội (QH) khóa XV này từ đầu nhiệm kỳ đã có những cải tiến, đổi mới và nay xuất hiện nhu cầu phải sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp QH.

Những ngày qua, đã có những thảo luận về dự thảo này. Chẳng hạn, chất vấn thì phần hỏi là 2 phút, trả lời 5 phút hay nên ngắn hơn, còn 1 phút, 3 phút? Rồi thủ tục tuyên thệ là quy định mới của Hiến pháp 2013, nên chi tiết hóa thế nào trong nội quy cho hợp lý?

Có những vấn đề lâu nay vẫn âm ỉ trong sinh hoạt nghị trường, như đại biểu QH vắng mặt thì kỷ luật, phép tắc như thế nào... cũng “chín người 10 ý”. Thảo luận công khai, có vị băn khoăn siết như dự thảo, cứ vắng mặt hơn hai ngày làm việc trong một kỳ họp thì phải báo cáo với Tổng thư ký, rồi Tổng thư ký báo cáo Chủ tịch QH quyết định, so với ba ngày như hiện hành là khó khả thi. Vậy nên, chỉ cần báo cáo trưởng đoàn là được…

Tranh luận là đặc tính của QH. Nhưng cũng có đại biểu QH phản ánh nhiều khi muốn phát biểu mà bấm nút mãi chả đến lượt. Lại cũng có ý kiến khác nhận xét có vị không “tranh luận” mà là “chen luận”. Có lẽ vì vậy dự thảo sửa đổi nội quy bổ sung yêu cầu các vị đại biểu dân cử “có thái độ tôn trọng đại biểu QH đã phát biểu trước”.

Để tranh luận có chất lượng thì hiển nhiên người tranh luận cần nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thông tin thấu đáo. Vậy nên nhiều ý kiến đồng tình với bổ sung trách nhiệm của đại biểu QH phải “tập trung nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến, tham gia thảo luận, góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp”. Không chỉ vậy, một cách công khai, có đại biểu băn khoăn về hiện tượng “có đại biểu chẳng thấy phát biểu gì suốt kỳ họp”...

Để thấy, ngay trong “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, dư địa để đổi mới, để hoàn thiện chính mình còn rất nhiều. Nhưng để đổi mới thực sự thì phải bắt đầu từ từng vị đại biểu dân cử. Những đổi mới thực sự ở QH sẽ ít nhiều lan tỏa, thúc đẩy dân chủ cũng như duy trì trật tự kỷ cương, trước hết trong vận hành quyền lực nhà nước và từ đó lan tỏa ra cả hệ thống chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới