Quốc lộ nâng cấp, nhà dân biến thành hầm, thành hang

(PLO)- Công trình thi công Quốc lộ 19 có mặt đường cao hơn nền nhà người dân 1-4 m khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số hộ dân ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định) thông tin về việc thi công Quốc lộ 19 cao hơn nền nhà người dân cả mét, bít lối ra vào. Người dân đã có kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Được biết Quốc lộ 19 dài 243 km, là tuyến nối các tỉnh Tây Nguyên. Giữa năm 2021, Bộ GTVT triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa gần 150 km qua hai tỉnh Gia Lai, Bình Định. Trong đó, đoạn Quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn dài 17 km, do Ban quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư triển khai thi công.

Nhà thành… hầm do cải tạo đường

Theo phản ánh của người dân ở xã Tây Giang, nền quốc lộ được thi công cao hơn nền nhà người dân 1-4 m. Mùa mưa, nước từ trên đường tràn vào nhà, mùa nắng bụi mù mịt làm người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Bà Văn Thị Điệp (thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang) cho biết trước đây nền nhà bà thấp hơn mặt đường cũ chỉ vài chục phân, việc đi lại không gặp khó khăn gì. Giờ làm quốc lộ, mặt đường nâng cao hơn nền nhà gần 2 m nên việc đi lại rất khó khăn.

Cũng theo bà Điệp, việc thi công quốc lộ cũng ảnh hưởng đến nhà bà. Mỗi lần xe lu thi công trên đường là nhà rung chuyển theo. Mới đây, bà Điệp phát hiện vách tường nhà bà bị nứt một vệt dài.

“Tôi nghe nói sắp tới con đường này còn nâng mặt đường lên thêm 2 m nữa, như vậy đã giáp nóc nhà tôi rồi. Nếu nâng cao như vậy thì tôi không biết đi lại như thế nào. Mong các cấp chính quyền quan tâm, có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi trong việc đi lại cũng như an toàn trong việc thi công để bà con nơi đây an tâm hơn” - bà Điệp nói.

Bà Văn Thị Điệp bức xúc vì đường cao hơn nền nhà khiến mùa mưa nước chảy vào nhà. Ảnh: QN

Bà Văn Thị Điệp bức xúc vì đường cao hơn nền nhà khiến mùa mưa nước chảy vào nhà.
Ảnh: QN

Có nhà sát bên nhà bà Điệp, ông Dương Kỷ cũng bức xúc với tình trạng tương tự. Theo ông Kỷ, trước đây nhà ông chỉ thấp hơn mặt đường vài chục phân, có đường đi lại rất dễ dàng nhưng từ khi dự án sửa chữa Quốc lộ 19 được triển khai, nền đường cao hơn nền nhà ông gần 2 m. Mới đây có trận mưa lớn làm nước và đất từ đường tràn thẳng vào nhà ông.

“Tôi lớn tuổi rồi, con cái lại làm ăn xa, nhà neo người. Không chỉ đi lại khó khăn, khi trời mưa nước tràn vào nhà tôi cũng không xoay xở kịp. Hiện trạng như bây giờ đã gây khó khăn cho bà con rồi, sau nay còn nâng cao mặt đường lên nữa thì nhà tôi sẽ như cái hầm, không biết đi lại thế nào. Cải tạo đường sá để phát triển là tốt, người dân ủng hộ nhưng cũng cần xem xét thực tế từng nơi để có giải pháp thi công phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân” - ông Kỷ chia sẻ.

Tỉnh kiến nghị Bộ GTVT tìm phương án giải quyết

Trao đổi với PV, ông Cao Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây sơn, cho biết trước những phản ánh của người dân, UBND huyện đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án 2, UBND tỉnh Bình Định và Sở GTVT để kiến nghị xem xét hạ thấp cao độ nền thi công Quốc lộ 19 qua địa phận xã Tây Giang. Cụ thể ở đoạn từ cầu Bầu Sen đến cầu Ba La và đoạn từ cầu Lò Gốm đến chợ Đồng Phó, chủ đầu tư có giải pháp xử lý phù hợp để người dân sinh hoạt và kinh doanh thuận lợi.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ GTVT, kiến nghị xử lý cao độ nền đường tuyến Quốc lộ 19 đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.

Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện nay đoạn tuyến từ cầu Bầu Sen đến cầu Ba La, đặc biệt là phạm vi cầu Ba La qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn có cao trình thiết kế mặt cầu và đường đầu cầu cao hơn nhà người dân. Cụ thể là hai bên tuyến đường có cao trình 1,22-4,1 m, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của khoảng 36 hộ dân trong đoạn tuyến.

Cử tri huyện Tây Sơn có kiến nghị về những bất cập nêu trên đến HĐND các cấp về những bức xúc của người dân trong khu vực dự án. Do vậy, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương có giải pháp xử lý phù hợp để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực dự án.•

Nhà nứt do thi công sẽ được bồi thường

Ban quản lý chỉ là cơ quan thực hiện theo tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước. Đối với cây cầu ở khu vực dự án đang thực hiện, ban cũng đã khảo sát, giao đơn vị tư vấn khảo sát và đã được phê duyệt.

Khu vực này có hai cầu là cầu Bầu Sen và cầu Ba La, trong đó xác suất ngập nước của cầu Ba La là 1%, nghĩa là 100 năm/lần, còn cầu Bầu Sen là khoảng 25 năm/lần. Nếu tính theo mức nước lũ như thế thì cao trình nước ngập có xác suất rất cao. Do vậy, nền đường dẫn lên cầu cũng phải nâng lên cho phù hợp.

Việc nền đường cao hơn nền nhà người dân cũng chỉ mang tính cục bộ. Tức là có nhà người dân thì cao hơn, có nhà người dân thì thấp hơn nền đường. Khi nâng đường, ban cũng bố trí, thiết kế tuyến đường gom để cho người dân đi lại tiếp cận với quốc lộ. Tuy nhiên, hiện giờ chưa thi công được bởi người dân chưa giao đất để làm đường gom.

Đối với việc chính quyền địa phương mong muốn hạ độ cao đường xuống, ban đã báo cáo Bộ GTVT để bộ báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc bộ có thể có hướng dẫn cho phép hạ nền đường xuống.

Đối với một số phản ánh của người dân về việc trong quá trình thi công làm rung chuyển và nứt nhà người dân, ban cũng đã yêu cầu phía nhà thầu mua gói bảo hiểm. Nhà người dân nào bị nứt do thi công, thông báo ngay với phía đơn vị thi công và nhà thầu để được bồi thường.

Đại diện Ban quản lý dự án 2

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…