Giáo dục môi trường từ bàn ăn

Báo The Straits Times của Singapore đã đặt hàng các cộng tác viên đang sinh sống và học tập tại Úc, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và Thụy Điển vào tiệm ăn và quan sát xem thực khách giải quyết thức ăn thừa thế nào. Kết quả: Mọi người đã được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ thức ăn thừa của mình.

Tự dọn thức ăn thừa

Tại Úc, ông Ganessan Suppiah (46 tuổi, giám đốc bộ phận kinh doanh nhà hàng tại Sydney) cho biết người Úc luôn ý thức về chuyện ăn uống. Bên cạnh việc ăn gì, ở đâu, họ xem tính sạch sẽ luôn là điều tối quan trọng.

Tại các khu ăn uống, người ta thường đặt thùng lớn và có bảng chỉ dẫn nhắc nhở thực khách thu dọn bát đĩa và phần thức ăn thừa mặc dù những nơi này đều có người phục vụ để giữ hàng quán lúc nào cũng sạch sẽ. Trong trường học, học sinh được giáo dục về quy tắc ứng xử khi ăn uống, tự mình dọn sạch khi ăn xong để người đến sau được thưởng thức món ăn ngon trong không gian sạch sẽ.

Anh Liang Kaicheng, 22 tuổi, học tại Đại học Duke ở TP Durham, Bắc Carolina (Mỹ), kể:

+ Bữa ăn đầu tiên của tôi khi đến Mỹ là trong một tiệm ăn tự phục vụ tại sân bay. Tôi ăn món bánh mì kẹp thịt Big Mac. Lúc tôi vừa ăn xong, chuẩn bị rời khỏi quán thì thấy mọi người nhìn mình với cặp mắt không mấy thiện cảm. Đến khi chứng kiến một gia đình ba người tự đi đổ bỏ phần thức ăn thừa và sau đó mang khay xếp trả lại ngay ngắn, tôi mới hiểu chuyện gì xảy ra. Những tiệm ăn tự phục vụ rất phổ biến trong các khu trung tâm thương mại ở Mỹ. Mô hình này cũng tương tự như tại Singapore, gồm có các quầy hàng ăn liền kề nhau. Khách gọi món tại quầy rồi tự bưng khay thức ăn tới khu vực ngồi chung. Trong các tiệm ăn tự phục vụ, người ta không cần phải thuê mướn người thu dọn bát đĩa.

Phân loại thức ăn thừa

Tại Nhật, thực khách phải phân loại phần thức ăn còn thừa trước khi mang trả khay. Kiến trúc sư Cheryl Heng, 30 tuổi, sống tại Tokyo, cho biết:

+ Khái niệm trên dường như là một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật. Đó như là bản năng và xuất hiện một cách tự nhiên ở mọi người với mọi lứa tuổi. Tôi thấy mình cũng học được thói quen tự dọn dẹp khay thức ăn của mình - điều mà tôi chưa từng làm trước khi đến đây. Tuy nhiên, người Nhật còn đi xa hơn bằng cách phân loại phần thức ăn thừa bỏ đi. Trong nhiều quán ăn, người ta đặt các thùng rác khác nhau để thực khách cho vào đó thức ăn thừa, vật dụng bằng giấy hay bằng nhựa. Họ còn chia riêng cả thứ được làm từ vật liệu dễ cháy với thứ khó cháy.

Lee Tee Jong, 35 tuổi, sống tại Hàn Quốc, là phóng viên thường trú Báo The Straits Times tại Seoul, nhận xét: Dường như bản năng thứ hai của người dân Hàn Quốc là tự thu dọn khay của mình sau khi ăn uống trong căn-tin, quán ăn tự phục vụ hay cửa hàng bán thức ăn nhanh. Người dân Hàn Quốc xem đó là một phần văn hóa của họ. Đôi khi điều đó đến một cách rất tự nhiên và như một cử chỉ lịch thiệp với ngụ ý không muốn thực khách đến sau chịu đựng những thứ vương vãi không đẹp mắt. Trong các tiệm ăn tự phục vụ, công việc chủ yếu của người quét dọn thường chỉ là lau bàn ghế.

Quầy thức ăn tự chọn, sau đó mỗi người một khay và ăn xong tự dọn.
Quầy thức ăn tự chọn, sau đó mỗi người một khay và ăn xong tự dọn.

Người dân Thụy Điển rất ý thức bảo vệ môi trường và quan tâm chu đáo tới người khác. Tại nước này, trong các tiệm ăn ít thấy bóng dáng nhân viên lau dọn làm vệ sinh. Phần lớn thời gian làm việc của họ là đứng sau quầy phục vụ đồ ăn cho khách. Chỉ vào cuối ngày hay những khi vắng khách, họ mới lau dọn bàn ghế. Dù vậy, tiệm ăn lúc nào cũng sạch sẽ.

Sau khi ăn uống xong, thực khách thường tự thu dọn chén đĩa, xếp lại khay đựng và dùng khăn giấy lau chùi mảnh vụn thức ăn hay bất cứ thứ gì vương vãi trên bàn. Trong tiệm ăn thường đặt một số thùng có bảng hướng dẫn thực khách phân loại thức ăn thừa, đồ dùng bằng thủy tinh hay kim loại.

MINH NHỰT (Theo The Straits Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm