Chín tháng sau khi mắc phải COVID-19 khi đang làm nhiệm vụ ở một điểm nóng, cô Josée Laroche, một nhân viên y tế tuyến đầu ở Canada, hầu như không thể đi lại được.
“Trên thực tế, tôi cần kiếm cho mình một chiếc xe lăn. Tim tôi hoàn toàn khỏe mạnh trước COVID-19. Tôi chưa bao giờ bị bệnh” - cô nói trong chương trình phát thanh “Let’s Go” của đài CBC ngày 23-7.
Với rất ít nghiên cứu có sẵn về phương pháp điều trị cho những bệnh nhân bị các triệu chứng COVID-19 kéo dài, Laroche đã tìm tới một nghiên cứu ở tỉnh Quebec để cố gắng giảm thiểu các biến chứng COVID-19 ở những người có cuộc sống bị đảo lộn dù sống sót sau khi nhiễm bệnh như cô.
Bác sĩ Thao Huynh. Ảnh: CBC
Dưới sự chủ trì của chuyên gia dịch tễ học và bác sĩ tim mạch gốc Việt Thao Huynh thuộc Trung tâm Y tế ĐH McGill ở TP Montreal, tỉnh Quebec, cuộc nghiên cứu mang tên Impact Quebec COVID-19 Long Haul nhằm đánh giá 200 người lớn ở nhiều độ tuổi khác nhau trải qua những ảnh hưởng lâu dài của căn bệnh này trong một năm.
Dự án trị giá 250.000 AUD, do hãng Pfizer tài trợ từ tháng 9-2020, sẽ cho phép các nhà nghiên cứu từ ĐH McGill và ĐH Sherbrooke, cũng ở Quebec, kiểm tra sức khỏe tim mạch, hệ tiêu hóa và tiết niệu và chức năng trí tuệ của họ.
Bác sĩ Huynh cho biết nhà cung cấp vaccine COVID-19 đã tài trợ cho nhóm của cô mà không áp đặt các điều kiện lên công việc của họ.
“Chúng tôi thiết kế nó từ A đến Z. Đó có lẽ là khoản trợ cấp vô điều kiện nhất mà tôi từng có” - bà nói.
Tim đập nhanh, đau nửa đầu dữ dội, chóng mặt dữ dội và sương mù não chỉ là một số triệu chứng nghiêm trọng mà bệnh nhân mắc phải, bác sĩ Huynh nói.
Bà cho biết: “Rất nhiều triệu chứng của bệnh nhân đã được cải thiện sau một năm, nhưng chúng tôi ghi nhận một vài triệu chứng hiện tồn tại hơn 14 tháng và chúng vẫn còn rất đáng kể”.
Trong khi số trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu gần 200 triệu người, dữ liệu chính xác về số người suy nhược sau khi nhiễm bệnh vẫn chưa được xác định.
“Tôi từng gặp khá nhiều bệnh nhân còn trẻ, khỏe… mắc bệnh và không thể làm gì được nữa” - bà Huynh nói.
Bà cảnh báo những người trẻ tuổi có thể nghĩ rằng họ đã miễn dịch với COVID-19 rằng họ cũng có thể mắc các triệu chứng lâu dài.
Hiện tại, thanh niên ở Quebec nằm trong nhóm tuổi đủ điều kiện tiêm vaccine có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất trong tỉnh (70%).
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 22-7, Bộ trưởng Y tế Quebec Christian Dubé cho biết gần một nửa số ca nhiễm COVID-19 mới ở tỉnh trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 20-7 được phát hiện ở những người từ 20-30 tuổi.
“Một số bệnh nhân không cảm thấy nhiễm bệnh lúc ban đầu nhưng sau đó họ có các triệu chứng nặng” - bác sĩ Huynh nói.
Về phần mình, Laroche cho biết cô hy vọng các nghiên cứu tương tự sẽ thúc đẩy chính quyền Quebec nhận ra sức nặng của sự đau khổ mà những người bệnh lâu như cô phải gánh chịu.
“Đối với tôi, cơn đau chưa bao giờ thực sự dừng lại sau khi nhiễm bệnh” – cô Laroche nói, đồng thời cho biết thêm rằng cô đã tiến hành xét nghiệm ba lần trước khi phát hiện mình dương tính với COVID-19.
“Theo một cách nào đó, tôi may mắn vì tôi bị ốm do đi làm nên tôi được đền bù, nhưng có những người bị bệnh mà hầu như không thể trang trải cuộc sống” – cô bày tỏ.
Những bệnh nhân muốn tham gia cuộc nghiên cứu của bác sĩ Huynh phải được chẩn đoán mắc COVID-19 trong ít nhất hai tháng và phải trải qua các triệu chứng liên quan đến các vấn đề về tim trước khi tham gia.