Luật sư ông Trump đối đầu cựu giám đốc FBI

Ngày 8-6, cựu Giám đốc FBI James Comey đã có phiên điều trần với Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về các cuộc tiếp xúc giữa ông và Tổng thống Mỹ Donal Trump.

Ông James Comey tại phiên điều trần ngày 8-6. Ảnh: Reuters

“Người bạn thân” gây tranh cãi

Trong nội dung trả lời chất vấn của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, ông James Comey khẳng định đã gửi cho “người bạn thân” một bản tóm tắt các cuộc đối thoại với Tổng thống Trump, đồng thời nói người bạn này tiết lộ nội dung cho phóng viên.

Trả lời chất vấn, ông Comey lý giải hành động này nhằm đưa ra cung cấp cho công luận biết được phía câu chuyện của mình. Bằng cách này, ông hy vọng sức ép dư luận sẽ buộc Bộ Tư pháp chỉ định một cố vấn đặc biệt và độc lập giám sát cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ và các liên hệ giữa đội ngũ ông Trump với quan chức Nga.

Theo tiết lộ của ông Comey, “người bạn thân” trong câu chuyện này là một giáo sư Trường Luật Colombia. Yêu cầu tiết lộ thông tin được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Trump ra quyết định sa thải ông ngày 9-5 giữa lúc ông đang không có mặt tại Washington. Ông chỉ biết mình bị sa thải sau khi truyền thông đưa tin và gọi điện thoại xác nhận lại với Nhà Trắng, theo The New York Times.

Ông Daniel Richman là cố vấn của và cũng là bạn thân của ông James Comey, từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ "sếp cũ FBI". Ảnh: CNN 

Sau khi được liên hệ bởi hãng tin Reuters, ông Daniel Richman - giáo sư luật hình sự tại Trường Luật Colombia - xác nhận ông chính là “người bạn thân” mà ông Comey đề cập đến. Ông Richman cũng là một trong các cố vấn của cựu giám đốc FBI. Giáo sư này từ chối bình luận hay hé lộ thêm thông tin chi tiết.

Sau khi ông Trump đe dọa các cuộc đối thoại giữa hai ông có khả năng được ghi âm và có thể được công khai chống lại ông, ông mới đề nghị GS Richman một cung cấp các bản ghi nhớ của ông cho nhà báo Michael Schmidt của New York Times. Trong bản khai gửi Ủy ban Tình báo Hạ viện ngày 7-6, ông Comey viết ông “thức giấc lúc nửa đêm” thứ Hai, 15-5, nghĩ về lời đe dọa ông Trump viết trên Twitter ngày thứ Sáu 12-5 và quyết định công bố các bản ghi nhớ.

Luật sư ông Trump phản pháo

Sau các hé lộ của ông Comey tại phiên điều trần, luật sư riêng của ông Trump - Marc Kasowitz đã lên tiếng chỉ trích gay gắt việc “sếp cũ” FBI rò rỉ thông tin cho báo chí. Ông gọi các cuộc đối thoại giữa tổng thống Mỹ và ông Comey là “các giao tiếp đặc quyền” và không nên được tiết lộ. Tổng thống Trump từ khi nhậm chức đến nay cũng rất bực tức với tình trạng thông tin bên trong chính phủ thường xuyên bị rò rỉ bởi những nguồn tin giấu tên.

Ông Kasowitz tố ông Comey không hơn gì một số cá nhân bên trong chính phủ đang cố tình rò rỉ thông tin mật một cách bất hợp pháp cho báo chí. Điều này theo ông Kasowitz đã làm suy yếu chính phủ. Ông thậm chí cho rằng bản thân ông Comey đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, luật sư của ông Trump nói việc xem xét cần điều tra hành động rò rỉ thông tin hay không sẽ tùy vào các cơ quan chức năng có liên quan.

“Ông Comey điều trần rằng chỉ rò rỉ các bản ghi nhớ nhằm phản ứng với phát ngôn của ông Trump trên Twitter. Nhưng thực tế New York Times đã có bài dẫn các bản ghi nhớ vào ngày trước đó. Điều này cho thấy ông Comey đã viện cớ cho việc tiết lộ thông tin mật và có vẻ như để trả đũa. Chúng tôi sẽ để các cơ quan hữu trách xác định liệu có điều tra việc rò rỉ này không” - luật sư Kasowitz tấn công ông Comey.

luật sư riêng của ông Trump – Marc Kasowitz. Ảnh: Wall Street Journal

Tuy nhiên lời của ông Kasowitz không chính xác. Ông Trump viết trên Twitter về vụ ghi âm đối thoại vào lúc 8 giờ 26 ngày 12-5. Bài báo New York Times đề cập các bản ghi nhớ của ông Comey xuất hiện ngày 16-5.

Có lẽ luật sư Kasomitz muốn nói đến một bài báo của nhà báo Michael Schmidt trên New York Times ngày 11-5. Trong bài báo này, nhà báo Schmidt dẫn các phát ngôn từ những người thân cận ông Comey rằng trong bữa tiệc tối 27-1, ông Trump đã yêu cầu ông Comey phải trung thành. Bài báo này không hề đề cập đến bản ghi nhớ nào của ông Comey, hay có bất kỳ ám chỉ nào đến sự tồn tại của các bản ghi nhớ này, cũng không có bất kỳ chi tiết nào khiến người ta nghĩ là vì nhà báo Schmidt đã đọc qua chúng trước khi viết bài.

Luật sư Marc Kasowitz của Tổng thống Trump rời đi sau khi có tuyên bố tại cuộc họp báo sau cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI Comey, ngày 8-6. Ảnh: AP

Cựu giám đốc FBI hiện chưa đưa ra bình luận về các chỉ trích này. Trong khi đó, một số chuyên gia pháp luật Mỹ lại bảo vệ ông Comey, cho là các hành động của ông không qua mặt pháp luật. Một trong số đó là Faiza Patel, đồng giám đốc nhóm tư vấn chính sách công Trung tâm tư pháp Brennan.

Patel lưu ý yếu tố “sếp cũ” FBI đã cẩn thận không đưa các thông tin mật vào trong những ghi chép của mình. Một số chuyên gia khác lại nhắm vào ông Trump, nói vì bản thân nhà lãnh đạo 70 tuổi đã tiết lộ một số chi tiết trong các cuộc hội thoại với James Comey nên các thông tin này không còn trong diện “đặc quyền” nữa.

Không chỉ là “bạn thân”, ông Daniel Richman trong quá khứ còn nhiều lần công khai bảo vệ ông James Comey trước các biến cố chính trị khác có dính líu đến “sếp cũ” FBI. Trong cú áp-phe chính trị “bất ngờ tháng 10” năm ngoái, khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng gặp bước ngoặt lớn với quyết định tái điều tra bê bối email cá nhân của bà Hillary Clinton, chính ông Richman đã ra mặt bảo vệ cách làm việc của ông Comey.

Ông Richman tốt nghiệp Trường Luật của ĐH Yale vào năm 1984, sau đó làm thư ký cho Thẩm phán Tòa án Tối cao Thurgood Marshall. Ông từng cùng làm việc với ông James Comey tại Phòng công tố Manhattan từ năm 1987-1992. Sau năm 2007, ông làm việc tại trường Colombia và thường xuyên làm cố vấn cho Bộ Tư pháp và Bộ Ngân khố Mỹ về các vấn đề liên quan đến luật hình sự. Ông cũng từng nằm trong ban cố vấn của cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg. Sau hé lộ của ông Comey về Daniel Richman, trang chủ của Trường Luật ĐH Colombia thậm chí đã sập mạnh vì quá tải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm