Ông Tập muốn tăng cường đội ngũ nhân tài 'có khuynh hướng chính trị đúng đắn'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng Reuters dẫn truyền thông Trung Quốc ngày 28-9 đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tăng cường đội ngũ nhân tài gồm các nhà khoa học và trí thức ở Trung Quốc, những người có "khuynh hướng chính trị đúng đắn" và “thấm nhuần tình cảm yêu nước” để phục vụ đất nước.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã trích nhận xét của ông Tập cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vào năm 2025 và khả năng nuôi dưỡng nhân tài trong nước vào năm 2030.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS

Bồi dưỡng tài năng trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, đã trở thành ưu tiên cấp thiết hơn đối với Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ ngày càng siết chặt đối với sinh viên và học giả Trung Quốc trong việc nghiên cứu các chủ đề nhạy cảm, cũng như hạn chế xuất khẩu công nghệ và chia sẻ ý tưởng với đối thủ chiến lược của mình.

"Chúng ta phải có quyết tâm và sự tự tin trong việc nuôi dưỡng tài năng của mình ở bản địa" - Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập nói trong cuộc họp kéo dài hai ngày hôm 27-9 và 28-9 tại Bắc Kinh về việc phát triển nhân lực.

"(Chúng ta phải) kiên định khuynh hướng chính trị đúng đắn, không ngừng cải tiến công việc của đội ngũ trí thức, truyền cảm hứng cho những người tài năng cảm nhận được lòng yêu nước sâu sắc, đi trước và phục vụ đất nước ..." - ông Tập nói.

Theo Reuters, kể từ khi trở thành chủ tịch nước hồi năm 2013, ông Tập đã khẳng định lại vai trò chủ đạo của chính quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống Trung Quốc, đồng thời cũng thể hiện vai trò quyết đoán hơn trên trường quốc tế, xung đột với Mỹ trong một loạt vấn đề bao gồm thương mại, an ninh châu Á và tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

Washington từ lâu đã cáo buộc chính quyền Bắc Kinh liên quan hoạt động vi phạm bản quyền trí tuệ và đánh cắp ý tưởng của Mỹ, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.

Hôm 28-9, ông Tập nói rằng Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về "khoa học chiến lược" vào năm 2034.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã định nghĩa "khoa học chiến lược" là các lĩnh vực nghiên cứu có thể thúc đẩy lợi ích quốc gia lâu dài của đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm