Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại thủ đô New Delhi ngày 26-6, đề cập hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói rằng hợp đồng mua tên lửa S-400 nhằm phục vụ lợi ích của nước này nên sẽ không từ bỏ thỏa thuận với Nga, theo RT.
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: SPUTNIK
“Chúng tôi có quan hệ với nhiều nước, trong đó có những quốc gia có lập trường khác nhau. Chúng tôi sẽ làm mọi điều để phục vụ lợi ích quốc gia của mình", ông Jaishankar nói.
Trước đó, một số báo cáo cho hay Ấn Độ đang tìm cách thuyết phục Mỹ cấp quy chế miễn trừ trừng phạt cho thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.
“Chúng tôi có mối quan hệ quốc phòng lâu dài với Nga, chúng tôi không thể rũ bỏ”, một nguồn tin ngoại giao nói với kênh NDTV (Ấn Độ) .
Theo báo cáo của NDTV, Ấn Độ sẽ “nói rõ” với Ngoại trưởng Pompeo rằng New Delhi mong nhận được quy chế miễn trừ trừng phạt từ Mỹ, theo đó cho phép Ấn Độ mua vũ khí của Nga mà không gặp nguy cơ hứng lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nếu không được miễn trừ, Ấn Độ có thể hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt chiếu theo Đạo luật trừng phạt các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hợp đồng mua năm khẩu đội S-400 Triumf trị giá 5 tỉ USD hồi tháng 10-2018.
Giới chức Mỹ đã cố gắng chặn Ấn Độ mua S-400, cảnh báo rằng việc mua vũ khí từ Nga có thể ảnh hưởng tới các thương vụ vũ khí với washington trong tương lai. Lầu Năm Góc cam kết sẽ đề xuất “các lựa chọn thay thế tiềm năng” cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, Ấn Độ khẳng định việc mua S-400 mang tầm quan trọng chiến lược, đồng thời đảm bảo hệ thống này sẽ không gây nguy hiểm cho những vũ khí mà New Delhi đã hoặc sẽ mua của Washington.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ca ngợi quan hệ Mỹ-Ấn, thêm rằng “những người bạn tuyệt vời luôn có khác biệt”.
Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất Mỹ tìm cách ngăn cản mua hệ thống S-400 từ Nga trong những năm gần đây. Mỹ đã cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ- đồng minh NATO từ bỏ thỏa thuận mua S-400 của Nga nhưng Ankara từ chối.