Việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga trị giá hơn 5 tỉ USD mà Mỹ đang cố ngăn cản đang được thúc đẩy với việc Ấn Độ đã thanh toán trước, người đứng đầu Tập đoàn Rostec (Nga) xác nhận.
“Khoản tiền trả trước đã được thực hiện. Tôi sẽ không nói chính xác con số, song khoản tiền này đã được thực hiện” - ông Sergey Chemezov, người đứng đầu Rostec nói với báo giới bên lề triển lãm hàng không Dubai hôm 18-11.
Nga giao hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Rostec tham gia sâu vào việc xuất khẩu vũ khí của Nga, trong đó việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400.
Tuyên bố của ông Chemezov xác nhận bản tin của tờ Hindustan Times rằng Ấn Độ đã trả cho Nga khoản 850 triệu USD, tương đương 15% tổng giá trị hợp đồng, hồi tháng 9. Hindustan Times cho biết khoản trả trước này đã sử dụng một cơ chế được thiết kế phá vỡ sự giám sát của Mỹ đối với các lệnh trừng phạt tài chính quốc tế.
Mỹ có bộ luật nói rằng bất cứ nước nào mua hệ thống vũ khí của Nga, bao gồm S-400, có thể hứng trừng phạt tài chính từ Mỹ và Mỹ đã phản đối mạnh mẽ thương vụ Nga và Ấn Độ.
Ông Chemezov khẳng định rằng hệ thống S-400 mà Ấn Độ đặt mua đang được sản xuất và việc bàn giao sẽ được hoàn tất vào năm 2025.
Ông Chemezov sẽ không cung cấp lịch trình bàn giao S-400 cho Ấn Độ. Tờ Hindustan Times dẫn các nguồn tin riêng cho hay lô S-400 sẽ được chuyển đến Ấn Độ trong 16 đến 18 tháng nữa.
S-400 là hệ thống phòng không tầm xa hiện đại nhất của Nga, được thiết kế để đánh chặn máy bay và tên lửa của kẻ địch. Ấn Độ ký với Nga hợp đồng mua năm khẩu đội S-400 trị giá 5,4 tỉ USD hồi tháng 10 năm ngoái.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ký một hợp đồng tương tự và hợp đồng này đã dẫn tới một sự rạn nứt lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ gây sức ép lên đồng minh NATO của mình, buộc Thổ Nhĩ Kỳ không mua hệ thống vũ khí của Nga nhưng thất bại. Mỹ đã đáp trả bằng cách loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35, tuyên bố rằng họ cần phải bảo vệ những bí mật của tiêm kích F-35 trước Nga.
Ông Chemezov nhận xét rằng vũ khí Nga thu hút được nhiều quốc gia quan tâm vì “chúng tôi không bao giờ áp đặt điều kiện chính trị”.