Mỹ lần đầu tiết lộ 'bản sao' tiêm kích Su-57 của Nga

Tiêm kích Su-57 là một trong những máy bay mạnh nhất và là máy bay tàng hình thứ tư đang hoạt động trên thế giới.

Theo trang tin The EurAsian Times, Phi đoàn tiêm kích hỗn hợp số 12 (VFC-12), đơn vị chuyên đóng vai quân địch của Hải quân Mỹ đã tiết lộ “bản sao” đầu tiên của tiêm kích Sukhoi Su-57 Felon của Nga.

VFC-12 nổi tiếng trong việc sao chép những máy bay của quân đối địch. Có trụ sở tại trạm không quân hải quân Oceana (bang Virginia, Mỹ), VFC-12 cung cấp huấn luyện cho các phi công và sử dụng tín hiệu liên lạc qua radio gọi là “Ambush”.

Giờ đây, Hải quân Mỹ đã có tiêm kích rất giống Su-57 của Nga. Trên thực tế, Mỹ đã sơn tiêm kích F/A 18-E Super Hornet của đơn vị này màu giống Su-57. Tiêm kích Mỹ được sơn hai tông màu xanh và ghi nhạt theo nguyên mẫu Su-57. Chiếc Super Hornet khoác áo mới được giới thiệu tại một sự kiện hôm 18-6 tại trạm không quân hải quân Oceana, theo tạp chí The Drive.

Nhiệm vụ của VFC-12

VFC-12 là một trong bốn phi đoàn phụ trách việc đóng vai quân địch của Hải quân Mỹ, chuyên về các kiểu ngụy trang từ những quốc gia có mối đe dọa tiềm tàng.

Tiêm kích F/A 18-E Super Hornet của Phi đoàn tiêm kích hỗn hợp số 12 (VFC-12) trong màu sơn của tiêm kích Su-57 Nga. Ảnh: Fighter Squadron Composite 12/Facebook

Bằng cách sao phép màu sắc, phù hiệu của các máy bay đối thủ, Hải quân Mỹ cho phi hành đoàn tiếp xúc với máy bay lạ và thử thách tầm nhìn của họ xem có phân biệt được máy bay quân địch với phi đội màu xám thông thường của Mỹ hay không.

Trong quá khứ, VFC-12 vận hành những chiếc Hornet có màu sơn ngụy trang tương tự chiếc Su-27 Flankers, Su-34 Fullback của Nga.

VFC-12 là đơn vị đầu tiên của hải quân Mỹ chuyển từ “Legacy” Hornet sang vận hành Super Hornet trong vai trò đóng giả quân địch.

Trong một bài báo đăng hồi năm ngoái, tạp chí The War Zone đề cập những kế hoạch “sao chép” tiêm kích của những nước như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên mà VFC-12 đã lên kế hoạch.

Trong nỗ lực thay thế tất cả tiêm kích Legacy Hornet bằng tiêm kích ưu việt và có mức độ bảo trì thấp, Hải quân Mỹ đang tìm cách mua tiêm kích F-16 Vipers từ Không quân Mỹ để bổ sung cho tiêm kích Super Hornet trong vai trò quân đối địch, theo yêu cầu ngân sách Năm tài khóa 2022 của Hải quân Mỹ.

Tiêm kích Super Hornet

F/A 18-E/F Super Hornet là máy bay chiến đấu đa nhiệm hai động cơ, là một trong các biến thể của mẫu máy bay Hornet có trong Hải quân Mỹ.

Mẫu Hornet được biên chế từ năm 1999 và tham gia các sứ mệnh quan trọng như Chiến dịch Tự do Iraq và ném bom vào lực lượng Taliban và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mẫu “Legacy” Hornet nguyên bản đã được nâng cấp thành Super Hornet, mẫu tiêm kích lớn hơn được trang bị động cơ mạnh hơn và khả năng chở nhiên liệu.

Tiêm kích F/A 18-E Super Hornet. Ảnh: U.S. Air Force photo by Tech. Sgt. Rob Tabor/RELEASED)

Mẫu Super Hornet có thể mang theo tên lửa không đối không cũng như vũ khí không đối đất. Điều này khiến mẫu tiêm kích này trở thành một trong những chiến cơ đa năng, tiên tiến, có tính sát thương cao nhất, có khả năng chiến đấu cao nhất đang được sử dụng hiện nay.

Trước đó, The EurAsian Times từng đưa tin về việc Boeing - nhà sản xuất Super Hornet đã giới thiệu tiêm kích hạm F/A-18 Block III Super Hornet với Hải quân Ấn Độ để nước này trang bị trên tàu sân bay nước mình.

Tuần trước, Hải quân Mỹ làm nên lịch sử khi tiến hành tiếp nhiên liệu thành công trên không. Máy bay không người lái MQ-25 đã tiếp nhiên liệu phản lực cho chiếc F/A-18 Super Hornet. 

Tiêm kích Su-57 của Nga

Tiêm kích Su-57 (NATO định danh Felon) của Nga là máy bay đa nhiệm hai động cơ, là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm duy nhất của Nga.

Tiêm kích Su-57 của Nga. Ảnh: The EurAsian Times

Với việc được đưa vào phục vụ trong năm 2020, Nga trở thành thành viên mới nhất của câu lạc bộ những nước có tiêm kích thế hệ thứ năm đang hoạt động, bên cạnh Mỹ (tiêm kích F-22, F-35) và Trung Quốc (tiêm kích J-20).

Mặc dù VCF-12 không đưa ra lời giải thích chính thức tại sao lại chọn tiêm kích Su-57 của Nga để “sao chép”, song có khả năng là do thách thức mà tiêm kích này có thể đặt ra cho các tiêm kích thế hệ thứ năm của Mỹ.

Các chuyên gia từ đó liên tục đưa ra suy đoán máy bay nào “nguy hiểm” hơn máy bay nào, khiến Mỹ, Nga và Trung Quốc phải nâng cấp các mẫu máy bay hiện có bằng công nghệ cách tân và hiện đại.

Nga được cho đang chế tạo Su-57 phiên bản “nguy hiểm” hơn để đối chọi với các tiêm kích một động cơ F-16 và F-35 của Mỹ, theo tiết lộ của nhà phân tích quốc phòng Nitin J. Ticku của The EurAsian Times.

Tuần trước xuất hiện một video trong đó Su-57 bị phi công của F-35 hạ gục trong trò chơi điện tử “Battleground”. Video khiến giới chuyên gia an ninh và hàng không không khỏi “giật mình” về khả năng thao diễn đặc biệt của F-35.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm