Các quan chức quốc phòng Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) tăng ngân sách quân sự để đối phó với các thách thức trong và ngoài nước, báo South China Morning Post (SCMP) bình luận.
SCMP cho rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) muốn Quốc hội thông qua ngân sách mới với các khoản chi nhiều hơn đáng kể dành cho lực lượng vũ trang trong phiên họp sẽ bắt đầu từ ngày 22-5 tới.
Mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ
Trong số các mối đe dọa mà Bắc Kinh đang đối mặt, sự hiện diện quân sự của Mỹ sát biên giới Trung Quốc và sự gia tăng căng thẳng Trung-Mỹ được Bắc Kinh coi là mối đe dọa lớn nhất.
Tàu Rafael Peralta của Hải quân Mỹ hoạt động ở biển Hoa Đông hồi giữa tháng 5. Ảnh: TWITTER
Theo quan điểm của Trung Quốc, việc các máy bay ném bom của Mỹ đã bay qua Biển Đông và biển Hoa Đông gần 40 lần trong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 tới nay là sự đe dọa quân sự.
Cùng khoảng thời gian đó, các tàu của Hải quân Mỹ cũng tiến hành bốn hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực. Trong khi đó, trong cả năm 2019, Mỹ chỉ tiến hành tám hoạt động FONOP trong khu vực này.
Ông Tống Trung Bình - cựu sĩ quan PLA và là nhà bình luận quân sự của đài Phượng Hoàng (Hong Kong) - cho rằng "Bắc Kinh cảm thấy mối đe dọa an ninh từ Mỹ và các quốc gia khác đang gia tăng cho nên PLA muốn tăng ngân sách hỗ trợ việc hiện đại hóa và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu".
SCMP nhắc lại rằng ngày 2-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc - đã yêu cầu PLA tăng cường năng lực tác chiến khi mối quan hệ Bắc Kinh-Washington đang xấu đi.
Chuyên gia Lữ Lễ Thi, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan, cho rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức thấp nhất kể từ khi nối lại quan hệ (ở những năm 1970). Tuy nhiên, ông Lữ cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự là thấp.
TS Collin Koh đến từ Trường Quốc tế học S. Rajaratnam, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng các quan chức PLA và giới chức quân sự Mỹ có các kênh liên lạc.
"Mối quan hệ quân sự song phương có thể không phải lúc nào cũng hiệu quả nhưng ít nhất nó hoạt động như "van giảm áp" hiện có để chặn trước và có khả năng giảm nhẹ những nguy cơ từ sự căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington", ông Koh nói.
Căng thẳng leo thang giữa hai bờ eo biển Đài Loan
Theo SCMP, thách thức tiếp theo là quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Trong Sách trắng quốc phòng công bố hồi tháng 7-2019, PLA coi các phong trào đòi độc lập của Đài Loan là một trong những nguy cơ nguy hiểm nhất và yêu cầu quân đội Trung Quốc "bảo vệ sự thống nhất quốc gia bằng mọi giá".
Quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã căng thẳng hơn kể từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử vị trí lãnh đạo hòn đảo này vào năm 2016.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (trái) và cấp phó là ông Lại Thanh Đức (phải) nhận chức (nhiệm kỳ 2) hôm 20-5. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia phân tích chiến lược quân sự Trung Quốc Nghê Lạc Hùng cho rằng dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, tạo thêm lý do để PLA gia tăng ngân sách.
Ông cho rằng "đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm sự ngờ vực giữa Bắc Kinh và Washington, cũng như giữa Bắc Kinh và Đài Bắc".
Chuyên gia Hoàng Giới Chính đến từ ĐH Đạm Giang (Đài Loan) dù cho xung đột quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan khó có thể xảy ra trong hai năm tới, căng thẳng vẫn có thể leo thang.
Ông Hoàng cho rằng Bắc Kinh "sẽ tiếp tục đe dọa Đài Loan bằng vũ lực, dựng lên thêm các ván cờ chiến tranh để cố gắng hăm dọa chính quyền của bà Thái trong bốn năm tới nếu như bà ấy hủy bỏ thỏa thuận năm 1992" về chính sách "Một Trung Quốc".
Yêu cầu hiện đại hóa và các nguy cơ an ninh phi truyền thống
Theo SCMP, PLA cũng cần thêm để hiện đại hóa vũ khí, trang bị, để chuẩn bị đối phó các thách thức an ninh phi truyền thống, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai.
Ông Tập đặt mục tiêu PLA phải trở thành lực lượng chiến đấu hàng đầu thế giới vào năm 2050, trong đó đội tàu sân bay gồm bốn chiếc phải hoàn thành trước năm 2035 - hiện đã có hai chiếc là Liêu Ninh và Sơn Đông.
Hải quân Trung Quốc cũng đã có kế hoạch thử nghiệm tàu sân bay trực thấp Type 075 với lượng giãn nước lên tới 40.000 tấn. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có tổng cộng tám tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Type 055 - hiện một chiếc đã đi vào hoạt động.
Tàu Sơn Đông - tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: WEIBO
PLA cũng là lực lượng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Các y, bác sĩ quân y đã được điều động trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong khi các binh sĩ và lực lượng hậu cần tham gia hỗ trợ công tác phong tỏa, cách ly phòng bệnh.
Một quan chức quốc phòng Trung Quốc cho rằng đại dịch COVID-19 đã khiến PLA phải đối diện với gánh nặng lớn và bất ngờ về mặt tài chính.
PLA muốn tăng ngân sách quốc phòng thêm 9% so với năm ngoái
Các nguồn thạo tin cho biết quân đội Trung Quốc muốn duy trì hoặc tăng hơn nữa tốc độ tăng ngân sách quốc phòng (trong năm ngoái, tốc độ này là 7,5%). Một ước tính cho thấy PLA muốn ngân sách quốc phòng mới tăng 9% so với năm 2019.
Đề xuất này gây ra tranh cãi vì nền kinh tế Trung Quốc được dự báo là sẽ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cuối tháng 3, Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc (CICC) đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 từ 6,1% (công bố hồi tháng 1) xuống còn 2,6%.
Theo thông báo của Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3-2019, Bắc Kinh đang chi khoảng 1,18 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 176 tỉ USD) cho các hoạt động quốc phòng. Trung Quốc là nước có ngân sách quốc phòng cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu hòa bình thế giới Stockholm (Thụy Điển) cho rằng ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh là 261 tỉ USD. Dù vậy, con số này chỉ tương đương 1/3 ngân sách quốc phòng của Mỹ (khoảng 732 tỉ USD).