Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Bất ngờ vào giờ chót

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu thượng đỉnh bằng cái bắt tay “lịch sử” vào chiều tối hôm 27-2 trước khi có buổi tối thân mật cùng nhau. Sáng hôm qua, họ đã có màn khởi đầu rất thuận lợi trước hàng tỉ người quan sát từ khắp nơi trên thế giới khi cả hai đã tỏ ra cởi mở, hợp tác trong các cuộc họp mở và phát biểu trước báo chí. Thậm chí ông Kim còn khiến báo giới ngạc nhiên khi lần đầu tiên lãnh đạo Bình Nhưỡng trả lời rất tích cực các câu hỏi của truyền thông.

Màn “chào sân” ấn tượng

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA sáng 28-2 đã có bài viết về sự kiện ông Kim Jong-un gặp và ăn tối với Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 27-2 tại Hà Nội. “Tiến trình phát triển đáng kể trong quan hệ song phương sau thượng đỉnh ở Singapore đã được đánh giá cao, các ý kiến chân thành và sâu sắc đã được trao đổi với chủ trương mang lại các kết quả toàn diện và quan trọng trong đối thoại nhằm đáp ứng quyền lợi và kỳ vọng của toàn thể thế giới với sự thành công tại thượng đỉnh ở Hà Nội” - KCNA viết.

9 giờ sáng, hai nhà lãnh đạo ngồi vào bàn khi báo chí bắt đầu dồn hết nguồn lực để đưa từng chi tiết cuộc gặp lên mặt báo. Ngồi bên cạnh ông Kim Jong-un, ông chủ Nhà trắng một lần nữa lặp lại Mỹ không vội trong việc tìm kiếm thỏa thuận với Bình Nhưỡng: “Tôi từng nói rất nhiều ngay từ đầu rằng tốc độ không quan trọng với tôi. Điều quan trọng với tôi chính là việc chúng ta có một thỏa thuận phù hợp”.

Ông Trump nói rằng hai bên sẽ có “thành công tuyệt vời” nhưng ông không vội tiết lộ về triển vọng kết quả mà ông và người đồng cấp Triều Tiên dự tính đạt được và công bố tại lễ ký tuyên bố chung vào giữa giờ chiều cùng ngày. “Tôi chắc chắn qua nhiều năm nay rằng chúng ta sẽ đồng cảm với nhau rất nhiều” - ông Trump nói với ông Kim.

Thương lượng giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên tập trung vào các yếu tố chủ chốt của chương trình hạt nhân Triều Tiên, về khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Theo đó, chính quyền ông Trump hy vọng sẽ có được nhượng bộ từ Triều Tiên về khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nhưng không rõ liệu Mỹ có thể đưa ra động thái đáp lại nào hay không; và liệu ông Kim có chấp nhận không. Về phần mình, Triều Tiên muốn trừng phạt được giảm nhẹ. Trong khi đó, các quan chức Mỹ từng cố vấn cho ông Trump rằng Mỹ không bỏ trừng phạt trong giai đoạn còn thương lượng dở dang.

Trong cuộc họp chia sẻ kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều với giới báo chí vào đầu giờ trưa hôm qua, một phóng viên hỏi ông Kim rằng liệu Mỹ có thể mở một văn phòng ở Bình Nhưỡng hay không. Tổng thống Trump nói ông cũng rất muốn nghe câu trả lời. Sau đó, ông Kim đáp rằng “ý tưởng đó sẽ được Triều Tiên hoan nghênh”.

Điểm nhấn của cuộc gặp Trump-Kim vào buổi sáng hôm qua chính là khi được hỏi liệu ông có muốn giải trừ hạt nhân, ông Kim Jong-un trả lời: “Nếu tôi không muốn làm điều đó thì tôi đã không có mặt ở đây lúc này”. Ông Trump đáp lời: “Trả lời rất hay. Đó có thể là câu trả lời hay nhất các bạn từng nghe”. Đây được xem là lần đầu tiên ông Kim thừa nhận với báo chí quốc tế Bình Nhưỡng mong muốn phi hạt nhân hóa.

Cuộc gặp một-một giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sáng 28-2. Ảnh: TTXVN

Chưa vượt qua rào cản cũ

Tuy nhiên, ngay cả khi ông Kim khẳng định Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa thì câu hỏi lớn đặt ra là liệu Mỹ, Triều có thống nhất được “giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên” với những từ ngữ cụ thể hơn chứ không mơ hồ như ở Singapore năm ngoái. Và nếu có, liệu hai nước có thiết lập được một khung hành động để thực hiện được mục tiêu này không.

Đây cũng chính là những vấn đề mà Mỹ, Triều vốn từng đặt ra từ khi hai nhà lãnh đạo Trump, Kim quyết định ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, một lần nữa cả hai chưa đủ thời gian và điều kiện để có thể vượt qua. Khi giới quan sát đang chờ đợi một tuyên bố chung, mà họ kỳ vọng là tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ năm 1953 đến nay, thì người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo tin “bất ngờ”.

Mỹ, Triều quyết định hủy buổi ăn trưa cùng nhau và cả buổi lễ ký kết tuyên bố chung dự kiến thực hiện vào chiều 28-2. Hai nhà lãnh đạo tạm biệt nhau sớm hơn dự tính, ông Trump tiến về phòng họp báo trong khi ông Kim không có bất kỳ bình luận nào.

Lý giải về kết quả không mong đợi này, Tổng thống Trump giải thích vấn đề nằm ở chỗ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên. Theo đó, ông Kim muốn xóa bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nhưng muốn Mỹ dỡ bỏ mọi trừng phạt trước, điều mà ông Trump không muốn. Ông Pompeo tiếp lời rằng dù khu phức hợp hạt nhân Yongbyon có được xóa bỏ thì vẫn còn các cơ sở khác cũng như nhiều vũ khí khác vẫn còn đó.

“Về cơ bản, họ muốn trừng phạt được dỡ bỏ toàn bộ và chúng tôi không muốn điều đó” - ông Trump nói. Ông Trump nhấn mạnh ông rất muốn dỡ bỏ trừng phạt cho Triều Tiên vì ông tin tưởng ở tiềm năng của Triều Tiên. Tuy nhiên, điều đó hiện chưa thể.

Mỹ vẫn rất tích cực với Triều Tiên dù không có thỏa thuận chung

Khi được hỏi việc kết thúc đối thoại là quyết định của ông Trump hay ông Kim, tổng thống Mỹ nói rằng: “Tôi không muốn nói đó là quyết định của tôi, vì đó không phải là mục đích. Nhưng chúng tôi sẽ giữ quan hệ”. Ông Trump nói đàm phán với ông Kim rất “thân thiện” và mọi người không giận dữ khi ra về. Tổng thống Mỹ tin rằng dù không đạt thỏa thuận nào nhưng quan điểm về giải trừ hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã trở nên gần nhau hơn rất nhiều so với một năm trước tại thượng đỉnh Singapore.

Tổng thống Trump cũng cho biết Mỹ không có ý định gia tăng lệnh trừng phạt với Triều Tiên; trong khi phía Triều Tiên cũng đã hứa sẽ không thử tên lửa hạt nhân thời gian tới. “Tôi không muốn nói về chuyện tăng trừng phạt” - ông Trump nói trước khi kết thúc cuộc họp báo. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng bản thân không muốn nói về chuyện trừng phạt bởi lẽ ông đã nghĩ đến người dân Triều Tiên.

Việt Nam nói gì về kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Sau khi kết thúc thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm qua (28-2), Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) ra thông cáo khẳng định VN cùng cộng đồng quốc tế đã theo dõi sát sao hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội trong hai ngày qua.

“Trong hai ngày qua, VN cùng cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao hội nghị thượng đỉnh quan trọng Mỹ-Triều tại Hà Nội. Lập trường nhất quán của VN là ủng hộ tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” - thông cáo cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trước đó đã khẳng định cuộc gặp gỡ tại Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa hai bên. Qua đối thoại tại hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo cấp cao nhất của hai bên đã có nhiều nỗ lực tích cực, xây dựng trao đổi nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, VN đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị, tổ chức của nước chủ nhà VN được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao” - thông báo cho biết thêm.

Cũng theo Bộ Ngoại giao, VN chia sẻ mong muốn của cộng đồng quốc tế là các bên tiếp tục kiên trì đối thoại giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên; sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng, kiến tạo hòa bình, phối hợp thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Chỉ số Kospi lao dốc mạnh trước khi kết thúc phiên giao dịch sau khi Nhà Trắng thông báo tin tức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Kim bị cắt ngắn, bữa trưa bị hủy, ông Trump dời buổi họp báo lên sớm hai tiếng và không ký tuyên bố chung.

Theo tin tức của THE GUARDIAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm