Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai vừa kết thúc mà không có Tuyên bố chung. Nhà Trắng cho biết hai bên sẽ tiếp tục gặp nhau trong tương lai.
Lý do của việc hai bên không thông qua được Tuyên bố chung theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo chiều nay là vì phía Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ trừng phạt trước cho mình, trong khi Mỹ không muốn điều này.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng cho biết hai bên hiện chưa có kế hoạch tổ chức thượng đỉnh lần thứ ba.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc họp báo chiều nay, sau khi không đạt thỏa thuận với phía Triều Tiên. Ảnh: CNN
Diễn biến và kết quả của thượng đỉnh Mỹ-Triều đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm bình luận của các chuyên gia.
“Công bằng mà nói việc hai bên không ký bất kỳ nội dung gì không phải là điều phần lớn các nhà quan sát đang theo dõi mọi diễn biến thượng đỉnh Trump-Kim chờ đợi. Tôi nghĩ chúng ta cần phải nghe thêm nhiều chi tiết trong vài ngày tới, vài tuần tới để phán đoán điều gì thật sự xảy ra. Tôi đánh giá sự kiện này đạt mức thành công C-, chờ nghe thêm thông tin”, ông Mintaro Oba, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là chuyên gia bình luận ngoại giao cho các cơ quan truyền thông lớn như báo The New York Times, đài BBC…nói.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên xe rời khách sạn Sofitel Legend Metropole về lại khách sạn Melia sau khi không đạt được thỏa thuận với phía Mỹ. Ảnh: TWITTER
“Như đã dự đoán trước, người Mỹ chưa chuẩn bị chấm dứt chiến tranh và người Triều Tiên chưa chuẩn bị đầu hàng. Có một cách biệt lớn giữa các kỳ vọng và thực tế phũ phàng”, chuyên gia Leonid Petrov tại Đại học Quốc gia Úc, phát biểu.
“Dù có câu 'không có thỏa thuận vì tốt hơn một thỏa thuận tồi' nhưng thật khó để biết phải làm sao giữ được động lực duy trì thương lượng sau kỳ thượng đỉnh này”, bà Jenny Town, chuyên gia về Triều Tiên, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách Stimson Center (Mỹ), biên tập viên cấp cao trang web 38NorthNK.
Xe chở Tổng thống Mỹ Donald Trump trên đường về khách sạn JW Marriott sau khi không đạt được thỏa thuận với phía Triều Tiên. Ảnh: EPA
“Có thể phải viện tới câu không được nhiều người ưa thích: không có thỏa thuận còn tốt hơn một thỏa thuận tồi hoặc một thỏa thuận mà một bên có thể vi phạm, tạo ra viễn cảnh xung đột”, ông Vipin Narang, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), chuyên nghiên cứu về sự phát triển hạt nhân, hạt nhân Triều Tiên, an ninh Nam Á cho biết.
“Có thể ông Trump thật sự đã nghĩ cách tiếp cận bằng lợi ích kinh tế sẽ hiệu quả”, ông Ankit Panda, cây viết về địa chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế tại tạp chí Diplomat (Nhật), nhận định.