Theo truyền thông Trung Quốc, Hải quân Mỹ hồi tuần trước đã sử dụng một con tàu do Trung Quốc sản xuất trong hoạt động trục vớt xác máy bay chiến đấu F-35C tại Biển Đông, tờ South China Morning Post đưa tin.
Hạm đội 7 của Mỹ hồi tuần trước thông báo hải quân nước này đã kéo mảnh vỡ của máy bay gặp nạn từ độ sâu 3.780 mét tại Biển Đông bằng cách sử dụng dây nâng từ cần cẩu của tàu xây dựng hỗ trợ lặn (DSCV) Picasso.
Tàu Picasso. Ảnh: SCMP
Theo South China Morning Post, Picasso thuộc sở hữu và điều hành của Ultra Deep Solutions (UDS) - nhà điều hành tàu xây dựng hạng nặng lặn sâu có trụ sở tại Singapore. Picasso do China Merchants Heavy Industries - một trong ba công ty đóng tàu quốc doanh hàng đầu của Trung Quốc - chế tạo.
DSCV là loại tàu chuyên dụng để cứu hộ, lắp đặt, kiểm tra và sửa chữa vùng nước sâu.
Picasso là một trong những chiếc tiên tiến nhất đang được sử dụng và được trang bị một phương tiện vận hành từ xa tiên tiến được gọi là Curv-21, có thể lặn sâu hơn 3.000 mét.
Trong hoạt động trục vớt F-35C Lightning II vào tuần trước, Curv-21 đã gắn các dây nâng và giàn đặc biệt vào máy bay. Sau đó, móc nâng của cần trục được hạ xuống đáy biển và kết nối với giàn khoan, và máy bay được cẩu lên bề mặt trên tàu Picasso, theo Hạm đội 7.
Các DSCV do Trung Quốc sản xuất trước đây đã được sử dụng để trục vớt các máy bay phản lực từ đáy biển.
Vào năm 2019, một chiếc F-35A của Lực lượng Phòng không Nhật đã rơi xuống Thái Bình Dương và Van Gogh - một DSCV khác của công ty Singapore - đã tham gia chiến dịch trục vớt.
Tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 4-3 đưa tin tàu Van Gogh cũng do CMHI chế tạo và là một trong năm tàu do Trung Quốc sản xuất và do UDS vận hành.
Máy bay F-35C đã rơi ở Biển Đông vào ngày 24-1 sau một "sự cố hạ cánh" trong các hoạt động bay thường lệ trên tàu sân bay USS Carl Vinson.
Bảy thủy thủ đã bị thương trong vụ việc và phi công điều khiển F-35C đã phóng khỏi máy bay an toàn và được trực thăng giải cứu.
Xác của chiếc F-35C nằm ở phần phía bắc của Biển Đông, cách Philippines khoảng 300 km về phía tây và cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 565 km về phía đông.
Vị trí nhạy cảm của vụ rơi làm dấy lên suy đoán rằng quân đội Trung Quốc có thể cố gắng trục vớt các mảnh vỡ.
Hạm đội 7 đã bắt đầu chiến dịch trục vớt vài ngày sau vụ tai nạn và cho biết nỗ lực này thể hiện cam kết của Hải quân Mỹ đối với tài sản của họ cũng như một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.