Tuyên bố của Mỹ chỉ trích Trung Quốc: Philippines lên tiếng ủng hộ

Báo Inquirer (Philippines) đưa tin ngày 6-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines đã hoan nghênh tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3-8 chỉ trích Trung Quốc lập cái gọi là “TP Tam Sa” và “cơ quan quân sự Tam Sa”.

Người phát ngôn ghi nhận tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho thấy Mỹ ủng hộ lập trường của Philippines về giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua luật pháp quốc tế. Người phát ngôn nhấn mạnh các mối đe dọa hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và giao thương không cản trở trong khu vực sẽ tác động tiêu cực đến các nước tranh chấp và cả các nước khác.

Ba ngày sau sự kiện Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc lập cái gọi là “TP Tam Sa”, báo chí Trung Quốc ngày 6-8 đã tức tối tiếp tục đăng bài tố Mỹ.

Thời Báo Hoàn Cầu đăng bài viết với nhan đề Biển Đông không phải là sân chơi của Mỹ khuyến cáo Mỹ phải lưu ý rằng biển Đông không phải là biển Caribê (phía Nam nước Mỹ).

Tuyên bố của Mỹ chỉ trích Trung Quốc: Philippines lên tiếng ủng hộ ảnh 1

Tàu khu trục Yên Đài của hải quân Trung Quốc neo ở cảng Varna (Bulgaria) ngày 5-8. Ảnh: THX

Ấn bản nước ngoài của báo People’s Daily cho rằng Trung Quốc có quyền bảo Mỹ: “Im đi!”. Ấn bản People’s Daily trong nước cáo buộc Mỹ muốn gây chia rẽ trầm trọng hơn trong khu vực.

China Daily đăng xã luận cáo buộc Mỹ là kẻ quấy rối và chỉ trích các động thái tăng cường và thể hiện mong muốn hợp tác quân sự của Mỹ với hàng loạt các nước châu Á-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trong khi đó, Tân Hoa xã (Trung Quốc) sáng 6-8 dẫn lời người phát ngôn hải quân Sri Lanka cho biết đêm hôm trước, hải quân Sri Lanka đã bắt giữ 37 ngư dân Trung Quốc trên hai tàu cá ngoài khơi bờ biển Batticaloa (miền Đông Sri Lanka) và hải quân Sri Lanka đã giao 37 ngư dân cho cảnh sát.

Báo Colombo Page (Sri Lanka) lại đưa tin có 39 ngư dân bị bắt giữ gồm 37 ngư dân Trung Quốc và hai ngư dân Sri Lanka và tàu hải quân đã áp giải hai tàu cá về cảng Trincomalee.

Hải quân Sri Lanka xác nhận đó là hai tàu cá của Trung Quốc đã đăng ký hoạt động ở Bộ Ngư nghiệp và tài nguyên thủy sản Sri Lanka và chỉ được phép đánh bắt bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế Sri Lanka, tuy nhiên hai tàu này đã vào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế.

Chiều 6-8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka thông báo các ngư dân Trung Quốc đã được trả tự do.

Hôm 5-8, lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc đã đến thăm Bulgaria. Tàu khu trục Yên Đài cùng 260 binh sĩ đã cập cảng Varna và sẽ ở lại Bulgaria năm ngày. Phát biểu tại lễ đón tàu, Thiếu tướng hải quân Trung Quốc Hạ Khách Vi tin tưởng chuyến thăm sẽ khuyến khích hải quân hai nước hợp tác.

Cùng ngày, eo biển Bosphorus ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã đón hai tàu chiến Trung Quốc đến thăm trong bốn ngày, trong đó có một tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình. Đây là lần thứ hai tàu chiến Trung Quốc thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác hải quân.

Báo Yomiuri (Nhật) cho biết chiều 5-8, máy bay tuần tra của lực lượng tuần duyên Nhật đã phát hiện tàu khảo sát đại dương số 2 của ĐH Đại dương Đài Loan (lãnh thổ Đài Loan) xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nhật ở khu vực biển cách đảo Hateruma-jima (tỉnh Okinawa) 94 km. Cơ quan tuần duyên Nhật đã liên lạc qua vô tuyến yêu cầu tàu Đài Loan rời khỏi khu vực. Tàu Đài Loan trả lời đang khảo sát chất lượng nước và không chịu rút.

LÊ LINH - ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm