Bộ Tài chính vừa có thông báo về tình hình trích lập, sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) trong Quý II năm 2014.
Theo đó, số dư Quỹ bình ổn giá đến hết Quý II-2014 ước khoảng 1.594,749 tỉ đồng, trong đó số trích quỹ ước khoảng 1.136,933 tỉ đồng. Số sử dụng quỹ trong quý II ước khoảng 388,520 tỉ đồng.
Trong tổng số dư quỹ tính đến ngày 30-6-2014, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Ptrolimex) có số dư quỹ ước khoảng hơn 1.000 tỉ đồng; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội ước khoảng 167 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) ước khoảng 146 tỉ đồng. Riêng Tổng công ty Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC) số dư quỹ đang âm khoảng 144 tỉ đồng; Công ty cổ phần lọc hóa dầu Việt Nam âm hơn 29 tỉ đồng và Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam số dư quỹ âm khoảng 13 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, số dư Quỹ Bình ổn giá không lớn; do vậy việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện hài hòa giữa việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều chỉnh giá bán lẻ ở mức kiềm chế phù hợp với mặt bằng giá cơ sở theo chu kỳ tính giá. Đó là, Bộ tăng sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với xăng thêm 200 đồng/lít (từ 300 đồng/lít lên 500 đồng/lít); tiếp tục sử dụng quỹ Bình ổn giá 300 đồng/kg như hiện hành đối với mặt hàng dầu mazút.
Theo bao motthegioi, chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định: "Người tiêu dùng không có lợi gì cả. Bởi vì quỹ bình ổn chính là tiền của người tiêu dùng đóng vào trước để khi có biến động giá xảy ra thì sử dụng quỹ này để bù đắp lại, không cho giá tăng lên. Có thể hiểu đây chính là tiền tạm ứng trước, sau đó bù vào nên về phía người dân thì không có lợi".
TRÀ PHƯƠNG