Đầu tiên là tội mua bán người (Điều 119 BLHS). Khoản 1 điều này quy định: “Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa như sau: “Người nào đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức như bắt cóc, lừa gạt, dối trá, lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng điều kiện, hoàn cảnh của người khác trong tuyển mộ, giao dịch, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người đó vì mục đích bóc lột thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm”...
Quy định rõ hơn để dễ xử lý
Cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tách tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 BLHS) thành hai tội riêng lẻ gồm tội mua bán trẻ em và tội đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
Khoản 1 Điều 120 BLHS hiện hành quy định: “Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Trong phương án tách ra, với tội mua bán trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định: “Người nào tuyển mộ, giao dịch, vận chuyển, chứa chấp chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào vì mục đích bóc lột thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm”... Với tội đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định: “Người nào đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm”...
Đồn biên phòng Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đọc lệnh bắt bốn đối tượng về tội mua bán trẻ em qua biên giới. Ảnh: Phạm Chinh
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần sửa như vậy vì BLHS hiện hành quy định việc mua bán người, mua bán trẻ em chỉ bao gồm hai loại hành vi là “mua” và “bán”. Trong khi mua bán người, mua bán trẻ em là cả một quá trình bao gồm một chuỗi hành vi từ tuyển mộ đến vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và cuối cùng là tiếp nhận. Quy định hiện hành dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm này. Nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm vì việc tìm ra chứng cứ để chứng minh đối tượng có hành vi mua và bán (dùng tiền/lợi ích vật chất khác để đổi người) là không dễ.
Thực tế có nhiều nạn nhân bị bắt cóc, lừa gạt, mua đi bán lại nhiều lần nhưng bản thân họ ít khi biết được là mình đã bị bán với giá bao nhiêu tiền. Một số trường hợp, công an giải cứu được nạn nhân khỏi cơ sở mại dâm, nạn nhân khai đã bị bắt cóc, bị đưa sang bên kia biên giới và bị buộc phải bán dâm (tức là có dấu hiệu của hành vi tuyển mộ, vận chuyển, bóc lột nạn nhân). Nhưng vì không có bằng chứng chứng minh việc trao người-nhận tiền nên không xử lý được những kẻ buôn người về tội mua bán người, chỉ có thể xử lý về tội khác nhẹ hơn như chứa mại dâm, bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật...
Ngoài ra, cả Điều 119 lẫn Điều 120 BLHS hiện hành không quy định thủ đoạn, phương thức mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó đây là yếu tố quan trọng giúp phân biệt giữa tội mua bán người với tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, chứa mại dâm, môi giới mại dâm… hay phân biệt với một số hành vi không phải là tội phạm như môi giới kết hôn, môi giới lao động, môi giới nhận nuôi con nuôi...
Đặc biệt, Điều 119 và Điều 120 BLHS hiện hành không quy định mục đích “bóc lột” là dấu hiệu bắt buộc của các tội này. Trong khi những kẻ phạm tội không chỉ thu được tiền từ việc mua bán người mà còn là những lợi ích lớn, lâu dài từ việc bóc lột nạn nhân (bóc lột mại dâm, cưỡng bức lao động...). Hơn nữa, đây còn là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt tội mua bán người với tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Xem xét trách nhiệm người sử dụng lao động
Với tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em (Điều 228 BLHS), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi khoản 1 như sau: “Người nào sử dụng trẻ em làm những công việc khổ sai, nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với các chất độc hại hoặc các công việc khác trái với quy định pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Đồng thời, Bộ đề xuất bổ sung hai tình tiết tăng nặng định khung tại khoản 2 (mức hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù) là “vì mục đích mại dâm” và “tham gia các hoạt động bất hợp pháp theo quy định của pháp luật”.
Với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 227 BLHS), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung hai tình tiết tăng nặng định khung vào khoản 2 (có mức hình phạt từ ba năm tù đến 10 năm tù). Đó là trường hợp người biết hoặc có trách nhiệm phải biết về việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động nhưng vẫn yêu cầu người lao động làm việc và trường hợp có hành vi đe dọa, trả thù người lao động.
Việc đề xuất bổ sung như trên xuất phát từ thực tế việc xử lý hình sự người sử dụng lao động để xảy ra tai nạn lao động chết người hiện rất ít (năm 2013 chỉ xử lý hình sự vài vụ trong tổng số 562 vụ tai nạn chết người). Cạnh đó, hiện cũng chưa có chế tài nào quy định trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương nơi để xảy ra nhiều tai nạn lao động.
HOÀNG YẾN
Biết mục đích mua bán, vẫn phải xử tội khác Tháng 7-2013, TAND một tỉnh đã phạt hai bị cáo từ 30 tháng tù treo đến 36 tháng tù treo về tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài trái phép (Điều 275 BLHS). Trước đó hai bị cáo này đã tổ chức đưa 33 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc và có ý định bán họ cho những người Trung Quốc cần người lao động. Hành vi của hai bị cáo có dấu hiệu của tội mua bán người (Điều 119 BLHS) hay mua bán trẻ em (Điều 120 BLHS). Tuy nhiên khi xử lý, các cơ quan tố tụng đã băn khoăn, không thể khởi tố, truy tố hai bị cáo về các tội này vì hai bị cáo chưa được trả tiền sau khi sang Trung Quốc. |