Quy hoạch thủ đô: Không dự trữ đất tại Ba Vì

Ngày 26-7, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến sáng 29-7, Bộ Xây dựng sẽ công bố quy hoạch này tại Cung quy hoạch quốc gia (Từ Liêm, Hà Nội).

Phát triển chùm đô thị

Điểm đáng chú ý nhất trong quy hoạch này là Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: đô thị trung tâm, năm đô thị vệ tinh và các thị trấn. Trong đó, mỗi đô thị vệ tinh có chức năng riêng, hoạt động tương đối độc lập, mục tiêu để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ… Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng những hành lang xanh.

Ngoài ra, Hà Nội còn có khu nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ. Đây là khu vực phát triển các khu đô thị mới, trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại chất lượng cao, kiến trúc hiện đại. Tại khu vực này, trong quá trình mở rộng đô thị sẽ tiến hành chỉnh trang kiến trúc một số khu dân cư và làng xóm ven đô.

Quy hoạch thủ đô: Không dự trữ đất tại Ba Vì ảnh 1

Theo quy hoạch, khu nội đô lịch sử sẽ được bảo tồn. Ảnh: CTV

Riêng khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2 là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long và các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Quy hoạch đề ra yêu cầu bảo tồn không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ như khu Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành Cổ… Các cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế không phù hợp sẽ được di dời. Khu vực này cũng hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát chặt sự gia tăng dân số cơ học.

Không dời trung tâm hành chính quốc gia

Trung tâm hành chính quốc gia được đặt ở đâu là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian dài sau khi đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng được lập. Đầu năm 2010, đồ án đưa ra nội dung dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, cách trung tâm TP Hà Nội chừng 40 km. Điều này vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia. UBND TP Hà Nội cũng phản đối mạnh mẽ do địa điểm này xa trung tâm TP, chưa có cơ sở hạ tầng, xã hội… Việc di dời sẽ rất tốn kém mà không hiệu quả.

Về điều này, ngày 26-7, ông Phạm Xuân Tứ - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng cho biết: Theo quy hoạch được duyệt, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại khu vực Ba Đình, nơi có các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ. Tuy nhiên, trụ sở làm việc của một số cơ quan trung ương sẽ di dời đến khu vực Mễ Trì và tây Hồ Tây. Trong đó, khu vực tây Hồ Tây được ưu tiên do gần với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ. Đặc biệt, không quy hoạch đất dự trữ để xây dựng các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì.

Trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ đi theo địa hình

Một nội dung khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm là việc nên có hay không có trục đường Hồ Tây - Ba Vì. Trước đây đã có nhiều ý kiến phản đối do trục này chạy song song với ba trục đường lớn, nằm khá gần nhau. Nếu làm sẽ phải đầu tư một nguồn tiền rất lớn, trong khi Hà Nội còn nhiều công trình cấp thiết hơn. Tuy nhiên, theo quy hoạch vừa được phê duyệt, trục Hồ Tây - Ba Vì vẫn sẽ được làm, có chức năng kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. “Đó không phải là một trục thẳng tắp, đoạn ngoài vành đai 4 sẽ đi theo địa hình” - ông Tứ cho biết.

Cùng với trục Hồ Tây - Ba Vì, Hà Nội sẽ có hàng loạt các trục giao thông mới có chức năng kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng. Đó là các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, Đỗ Xá - Quan Sơn, Miếu Môn - Hương Sơn, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam… và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.

Cạnh đó, Hà Nội sẽ xây mới các tuyến đường sắt đô thị để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Riêng tại đô thị trung tâm, xây mới tám tuyến đường sắt đô thị, xây mới tám cầu và hầm qua sông Hồng. Tại các đô thị vệ tinh, xây hệ thống giao đồng bộ, hiện đại, phù hợp với chức năng và quy mô của các đô thị, đảm bảo liên hệ nhanh chóng với đô thị trung tâm và các đô thị khác.

Năm đô thị vệ tinh của Hà Nội

- Xuân Mai (cửa ngõ phía tây nam) là đô thị dịch vụ-công nghiệp.

- Phú Xuyên (cửa ngõ phía nam) là đô thị công nghiệp.

- Hòa Lạc (cửa ngõ phía tây) là đô thị khoa học công nghệ và đào tạo.

- Sóc Sơn (cửa ngõ phía bắc) là đô thị công nghiệp, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái.

- Sơn Tây (cửa ngõ phía tây bắc) là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm