Quy trách nhiệm việc để lọt hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ phi pháp

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5-11, liên quan đến việc để hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc (TQ) xâm phạm chủ quyền của Việt Nam lọt qua nhiều cửa kiểm duyệt, một số lãnh đạo bộ, ngành đã lên tiếng về việc xử lý các vi phạm này.

Yêu cầu cam kết không để lọt “đường lưỡi bò”

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng thời gian qua xảy ra một số trường hợp nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam để bán và tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. “Đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành…” - ông Hưng nhìn nhận.

Với ô tô nhập khẩu sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”, ông Hưng khẳng định: Ngay khi xảy ra sự việc, Bộ Công Thương làm việc với Công ty Thương mại nhập khẩu nhãn hiệu ô tô. Theo giải trình của công ty, thiết bị định vị có bản đồ TQ mặc định không thể sử dụng tại Việt Nam. Công ty có kiểm tra nhưng sơ suất không phát hiện được vấn đề này.

Hiện Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu công ty thông báo công khai và triển khai thu hồi toàn bộ ô tô đã nhập khẩu về kiểm tra, khắc phục vi phạm. “Nếu trước ngày 30-11 công ty chưa khắc phục xong, Bộ Công Thương sẽ tạm dừng hiệu lực giấy phép nhập khẩu ô tô đã cấp cho công ty…” - ông Hưng khẳng định.

Ngoài ra, ông Hưng cho biết Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị nhập khẩu ô tô rà soát và báo cáo tình hình nhập khẩu ô tô. Đặc biệt, việc gắn thiết bị định vị có sử dụng phần mềm bản đồ trên ô tô, báo cáo về bộ trước ngày 15-11.

“Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị nhập khẩu ô tô phải yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia của Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng phải rà soát hoạt động, các văn bản pháp lý cam kết với người bán hàng nội dung trên. Khi tiến hành nhập khẩu, doanh nghiệp phải kiểm tra chặt chẽ toàn bộ ô tô trước khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam…” - ông Hưng nói.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT tăng cường phối hợp quản lý ô tô nhập khẩu. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn các ô tô nhập khẩu, đặc biệt là đối với các ô tô nhập khẩu từ TQ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5-11. Ảnh: ĐỨC MINH

“Đường lưỡi bò” phi pháp  trên  bản đồ định vị của xe Volkswagen trưng bày tại Vietnam Motor Show 2019 bị người xem phát hiện. Ảnh: ITN

Không thể để phát tán tràn lan

Liên quan đến việc lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” vào sản phẩm phim ảnh, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết sẽ không để tiếp diễn những vụ việc đáng tiếc như bộ phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ.

“Chúng tôi cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không thể phó thác trách nhiệm cho các cơ quan thẩm định…” - bà Thủy nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho rằng việc để lọt một số sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô có hình ảnh, phần mềm ứng dụng, tranh vẽ “đường lưỡi bò” là việc chúng ta phải suy nghĩ.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận: Khi đưa bộ phim công chiếu, đương nhiên hội đồng thẩm định thuộc Bộ VH-TT&DL phải có trách nhiệm thẩm định. Nếu thẩm định không đúng, thiếu trách nhiệm, để sơ suất xảy ra mà đưa ra công chiếu thì trách nhiệm thuộc về hội đồng thẩm định và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VH-TT&DL…

Với ô tô nhập khẩu, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Tiếp đến là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước… “Nếu trong sách có “đường lưỡi bò” thì trách nhiệm của Bộ GD&ĐT…” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ.

Người đứng đầu VPCP cũng khuyến cáo người dân khi dùng những sản phẩm từ nước ngoài về phải có xem xét. Không thể để các sản phẩm có “đường lưỡi bò” phát tán tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam. “Về phần mình, chúng tôi sẽ tổng hợp nội dung này và đề xuất nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan để có cách ứng phó kịp thời, không để chuyện tương tự xảy ra…” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ba người “đi nhờ” chuyên cơ, trốn ở Hàn Quốc đã về nước

Sẽ hạ cấp bậc đại úy công an gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 5-11, Thứ trưởng Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc (ảnh) cho biết đã có 3/9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc đã về nước. “Hiện có ba công dân đã về nước, còn lại sáu công dân, cơ quan công an đang phối hợp với các cơ quan của Hàn Quốc để xác định các đối tượng này” - ông Ngọc nói.

Trước đó, tại cuộc họp báo về chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội ngày 18-10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: “Họ không phải đi cùng đoàn công tác của Quốc hội mà là đi nhờ”.

Theo ông, nhóm người này đi dự diễn đàn kinh tế thương mại do Bộ KH&ĐT phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại công nghiệp Hàn Quốc tổ chức.

Quy trách nhiệm việc để lọt hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ phi pháp ảnh 3

• Cũng tại cuộc họp báo, báo chí hỏi về việc xử lý Đại úy Lê Thị Hiền, người gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất cách đây gần ba tháng. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho hay trong báo cáo mới đây gửi bộ, Công an TP Hà Nội dự kiến hạ cấp bậc hàm từ đại úy xuống trung úy, điều động bà Hiền xuống nhận công tác ở vị trí không tiếp dân. “Lãnh đạo Bộ Công an đang giao cơ quan chức năng của bộ xác định hành vi và căn cứ quy định xử lý để có quyết định theo đúng quy định hiện hành” - ông Ngọc nói.

ĐỨC MINH - VIẾT LONG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm