Quyền khởi tố vụ án của toà: Ít sử dụng trên thực tế

(PLO)-  Mặc dù đã trao quyền cho toà án được khởi tố vụ án nhưng trên thực tế các quyền này ít khi được sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND Tối cao đã công bố đề cương dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức TAND năm 2014 để lấy ý kiến đóng góp. Trong dự thảo sửa đổi luật lần này, TAND Tối cao đã đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tòa án. Một trong đó là là đề xuất bỏ quy định toà án có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.

Bỏ để xác định đúng chức năng xét xử

Theo đó, TAND Tối cao cho biết việc bỏ quy định toà án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên toà sẽ góp phần bảo đảm tính khách quan của toà án trong quá trình giải quyết vụ án, tránh trường hợp toà án vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vừa xét xử chính vụ án mà mình khởi tố.

Ngoài ra, quy định trên hiện cũng không còn phù hợp vì quyết định khởi tố trong vụ án hình sự thuộc chức năng của CQĐT và Viện kiểm sát. Toà án là cơ quan có chức năng xét xử nên nếu ra quyết định khởi tố vụ án sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan khi giải quyết vụ án.

Một điểm tích cực mà TAND Tối cao chỉ ra khi đề xuất bỏ quy định trên là sẽ sẽ giúp giảm bớt thủ tục tố tụng. Xác định đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của toà án trong bộ máy Nhà nước với tư cách là chủ thể thực hiện quyền tư pháp.

Hội đồng xét xử tại một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hội đồng xét xử tại một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ít sử dụng quyền này trên thực tế

Liên quan đến đề xuất trên của TAND Tối cao, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một nguyên chánh tòa hình sự, TAND cấp tỉnh cho biết theo quy định hiện nay về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thì HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu VKS khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tòa án phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến VKS cùng cấp.

Pháp luật đã trao quyền khởi tố vụ án hình sự cho HĐXX, tuy nhiên trên thực tế khi xét xử các vụ án hình sự thì HĐXX rất ít khi thực hiện quyền này. Đa số trong các vụ án khi xét xử nếu có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì HĐXX sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bởi lẽ, chức năng, nhiệm vụ chính của toà án là xét xử còn chức năng xác định tội phạm, điều tra hành vi phạm tội thuộc về cơ quan điều tra và VKS. Vì vậy nên để hai cơ quan này khởi tố bổ sung (nếu có) thì sẽ đảm bảo tính thống nhất, giải quyết xuyên suốt trong vụ án hình sự (từ khởi tố, điều tra, truy tố).

“Ở các nước trên thế giới toà án khởi tố vụ án là chuyện hết sức bình thường (ví dụ như ở Hàn Quốc) vì ở các nước này trong hệ thống toà án có cả các điều tra viên để tiến hành điều tra và pháp luật cũng giao thẩm quyền điều tra cho toà án.

Tuy nhiên do hệ thống tổ chức toà án ở Việt Nam khác cho nên quy định này chỉ dừng lại ở việc toà án có quyền khởi tố vụ án sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và VKS điều tra”- vị nguyên chánh tòa hình sự chia sẻ.

Ngoài ra, một kiểm sát viên tại TP.HCM cũng cho biết đa số khi xét xử các vụ án nếu thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì toà thường trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc vẫn tuyên án rồi sau đó kiến nghị cơ quan điều tra điều tra đối với những hành vi liên quan trong vụ án có dấu hiệu tội phạm. Do vậy, mặc dù luật đã trao quyền cho toà án nhưng thực tế HĐXX rất ít khi sử dụng quyền này.

Bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho toà

Cũng tại đề cương dự thảo Luật TAND sửa đổi, TAND Tối cao đã đề xuất bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Toà như:

(i) Xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật.

(ii) Xem xét, quyết định các văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của luật.

(iii) Xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

TAND Tối cao đánh giá, việc bổ sung một số nhiệm vụ của tòa án sẽ làm phát sinh kinh phí triển khai (tổ chức phiên toà, phiên họp). Nhưng các khoản chi phí này là không đáng kể do chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết việc dân sự hiện nay là rất thấp so với mặt bằng chung của đời sống xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm