Cuối năm 2014, sau kết quả bầu cử giữa kỳ gây bất lợi cho đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tờ Washington Post dẫn bài xã luận của GS luật Steven G. Calabresi thuộc ĐH Northwestern (Mỹ) nhận định rằng Tổng thống Obama đã chính thức trở thành một “con vịt què” (lame duck) - thuật ngữ mà người Mỹ dùng để ví von những vị tổng thống không thể tái ứng cử, lại đối diện với nhiều khó khăn như ông Obama: Thượng viện, Hạ viện lẫn các văn phòng thống đốc bang đều nằm trong tay đảng Cộng hòa. Thậm chí ngay cả tại Tòa án Tối cao Mỹ, suy cho cùng thì năm trong số chín thẩm phán cũng do đảng Cộng hòa bổ nhiệm.
Những tổng thống “vịt què” của Mỹ
Lý do đầu tiên khiến nhiều người tin Obama mất hết quyền lực đó là ông rơi vào tình thế sẽ khó có thể hoàn thành những công việc dở dang. Nhìn lại lịch sử nước Mỹ sẽ thấy suy đoán này là hoàn toàn sai lầm. Giai đoạn từ Thế chiến thứ II đến nay, nước Mỹ sản sinh ra nhiều vị tổng thống làm được không ít việc quan trọng cho xứ sở cờ hoa như Franklin D. Roosevelt, Ronald Reagan và George W. Bush.
Người ta còn nhớ đến vị tổng thống mắc căn bệnh bại liệt Roosevelt, dù phải vật lộn với vô số khó khăn trong nhiệm kỳ thứ hai vì đảng Dân chủ của ông thua đậm nhưng đã trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử nước Mỹ đắc cử đến bốn lần, dẫn dắt “chú Sam” giành chiến thắng trong Thế chiến II dẫu ông “nhắm mắt xuôi tay” trước khi trận chiến chính thức kết thúc vào năm tháng sau đó.
Hay gần hơn là Tổng thống Reagan, “nổi tiếng” về vụ bê bối Iran-contra chấn động nước Mỹ (các quan chức Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran, một phần tiền được chuyển sang Nicaragua để giúp các tay súng Contra chống chính quyền cánh tả Sandinista). Tuy nhiên, ngay trong nhiệm kỳ hai đầy sóng gió và tranh cãi, Reagan vẫn hoàn thành xuất sắc cuộc đàm phán quan trọng với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, sau đó trao lại trách nhiệm này cho Phó Tổng thống George H.W. Bush năm 1988. Đó là nỗ lực lớn và một bước chuyển tiếp hoàn hảo để Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh lạnh.
Sức ảnh hưởng trên bàn ngoại giao
Cũng như những bậc tiền bối, tại thời điểm năm 2014, nhiều người lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng Tổng thống Obama lâm vào thế “vịt què”, nước Mỹ bước vào một giai đoạn mà tổng thống chỉ còn là biểu tượng, nhường chỗ cho sự chi phối đáng kể của “những chú voi” (biệt danh của đảng Cộng hòa). Nhưng Steven G. Calabresi khẳng định Obama không mất hết quyền lực, bất chấp John Feffer, Giám đốc tạp chí Foreign Policy in Focus, nhận định khó có thể tin sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014 Obama có thể đạt được thêm bất kỳ thành công nào trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ.
Từ cuối năm 2014, bất chấp những khó khăn nội tại, Obama lập ra không ít cú hích lịch sử trên bàn ngoại giao. Trong đó phải kể đến sự cải thiện mạnh mẽ quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia “cựu thù địch” theo thể chế xã hội chủ nghĩa. Điển hình như nối lại ngoại giao với Cuba sau “50 năm bế tắc”, thắt chặt quan hệ với Việt Nam bằng chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ (2015) và Obama sẽ thăm Việt Nam (2016); đàm phán thành công một thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân Iran vốn bế tắc suốt nhiều năm.
Ông Obama khích lệ người Mỹ đưa ra lựa chọn khôn ngoan bằng hy vọng, cơ hội chứ không phải bị dọa bằng nỗi sợ hãi, hoài nghi, hận thù và tuyệt vọng. Ảnh: TĐAS
Đó là chưa kể đến những thành công chớm nở cuối năm 2015, đầu năm 2016 mà ông Obama đã rất khó nhọc đạt được. Trong đó phải kể đến việc Mỹ với vai trò là nước dẫn đầu đã tiến hành đàm phán thành công (tháng 10-2015) và ký kết chính thức (tháng 2-2016) Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khẳng định chính sách tái cân bằng mà nhiều người chỉ trích là yếu đuối của ông từ nhiệm kỳ một. Như một cách bồi thêm thành công của TPP, khả năng kết nối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với 600 triệu dân đầy tiềm năng và khẳng định sức thuyết phục của “tái cân bằng” ở châu Á, Tổng thống Obama tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử tại Mỹ.
Và quyền lực trong nước
Nhiều ý kiến cho rằng những tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai như Obama dường như bị đặc biệt hạn chế trong các vấn đề đối nội khi phải đối mặt với phe đối lập chiếm đa số trong Quốc hội. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ đúng một vế - “những chú voi” đang nắm Quốc hội. Năm 2014, Steven G. Calabresi khẳng định Obama sẽ tìm cách để TPP được thông qua bởi một quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, điều sẽ kích thích nền kinh tế và giúp củng cố các đồng minh châu Á của Mỹ.
Điều này đã được chứng minh bằng nhiều sự kiện quan trọng trong năm 2015-2016: Quốc hội Mỹ sau nhiều ngày tháng tranh luận căng thẳng đã thông qua “Quyền Xúc tiến Thương mại” (viết tắt là TPA), mở đường cho Obama đàm phán thành công và ký kết TPP. Người ta sẽ còn nhắc nhiều đến cái tên Obama khi nói về TPP, bởi ngay cả Hillary Clinton, một trong những người đang trên đường đua vào Nhà Trắng, cũng lên tiếng phản đối TPP bất chấp bà từng ủng hộ hiệp định này khi còn là ngoại trưởng. Một cách đơn độc, chậm rãi nhưng chắc chắn, Obama đã hoàn thành đàm phán “hiệp định thế kỷ” TPP.
Ngay sau khi TPA - Tối cao Pháp viện Mỹ bảo vệ thành công Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, cải cách bảo hiểm sức khỏe, cải cách y tế (Obamacare), vốn đã bị phe đối lập phản đối kịch liệt trong suốt nhiều năm liền. Theo trang thông tin của chương trình Obama Care, có hơn 105 triệu người được tiếp cận với các dịch vụ y tế hoàn toàn miễn phí. Một ngày sau đó, Tối cao Pháp viện Mỹ lại tiếp tục bảo vệ thành công quyền kết hôn đồng giới, bảo vệ quyền bình đẳng về hôn nhân mà những người đồng giới mong ước từ rất lâu, thách thức những giá trị bảo thủ lâu đời tại nước Mỹ.
Gần nhất, Obama ra lệnh thắt chặt về súng đạn mà không thông qua Quốc hội, đồng thời hối thúc cử tri Mỹ ngưng ủng hộ các ứng viên ủng hộ nới lỏng các luật về súng đạn. Giọt nước mắt của Obama khi nhớ về nạn nhân - từ em bé đến cụ già của các vụ xả súng thu hút ánh nhìn đồng cảm và xúc động của đông đảo người dân trong lòng nước Mỹ và toàn thế giới.
Tại sao dân Mỹ sẽ nhớ Obama? Trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang vào chặng cuối, trang New York Times dẫn bài viết của David Brooks về Obama đầy xúc động: “Tôi nhớ Obama”. David Brooks thẳng thắn thừa nhận “Tôi không đồng ý với rất nhiều quyết định của Obama” và “thất vọng ở một số khía cạnh trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama”. Tuy nhiên, rất nhiều điểm tốt mà Obama thể hiện dường như mất dần trong lòng nước Mỹ. Trước nhất và quan trọng nhất chính là sự liêm chính. Dường như không có những vụ bê bối như vụ Iran-Contra (thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan) hay nghi án tình ái kiểu Lewinsky (thời cựu Tổng thống Bill Clinton) dưới thời Obama. Thứ hai chính là tính nhân văn, lòng nhân ái. Trong khi tỉ phú Donald Trump tỏ ra chống đối người Hồi giáo thì Tổng thống Barack Obama đến thăm một nhà thờ Hồi giáo. Obama xoa dịu họ và có bài phát biểu tuyệt vời về vị trí của người Hồi giáo trong lòng nước Mỹ. Thứ ba là cách đưa ra quyết định một cách hợp lý. Những lời cố vấn từ thuộc cấp luôn được Obama cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định dùng hay bỏ. Đương kim tổng thống cố gắng phát huy tối đa giá trị của bản thân ngay cả khi rơi vào những tình thế bị hạn chế quyền lực. Thứ tư, Obama là người chịu được áp lực tuyệt vời. Ông bình tĩnh dẫn dắt nước Mỹ qua nhiều cơn khủng hoảng, đặc biệt là đợt khủng hoảng tài chính. Cuối cùng là sự lạc quan. Những ứng viên tổng thống như Sanders, Trump, Cruz hay Ben Carson luôn cố chứng minh cho cử tri thấy rằng “nước Mỹ đang đứng trước bờ vực sụp đổ”, dù rằng những khó khăn Mỹ đang đối diện cũng bình thường như bất kỳ một quốc gia nào khác. Người dân Mỹ sẽ đưa ra lựa chọn khôn ngoan hơn nếu họ được khích lệ bằng hy vọng, cơ hội như Obama đã và đang làm chứ không phải bị dọa bằng nỗi sợ hãi, hoài nghi, hận thù và tuyệt vọng như những ứng viên đang trên đường đua vào Nhà Trắng. Obama không phải là một người hoàn hảo bởi ông ấy thường lạnh lùng, khép kín, có khi còn thiếu khôn ngoan. Tuy nhiên, khi sự xấu xa đang ngày càng lan tràn trên thế giới, Obama cho thấy sự liêm chính, nhân văn, ứng xử tử tế và tao nhã mà bất kỳ người dân Mỹ nào cũng kỳ vọng vào vị tổng thống kế nhiệm. Obama chưa bao giờ trực tiếp phủ nhận mình không phải tổng thống “vịt què” nhưng những gì ông làm cho thấy bản thân ông cũng không cần bận tâm thêm về cái biệt ngữ chưa bao giờ thuộc về ông. |