Sáng 22-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Quyết định lịch sử, chưa từng có tiền lệ
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá Bộ Công Thương có những cải cách quyết liệt, quyết tâm rất cao trong việc dự kiến cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% trong tổng số 1.220 giấy phép con của bộ này tại Quyết định số 18 ngày 21-9. Đây được xem là quyết định chưa từng có trong lịch sử ngành công thương.
Sau khi chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng về những động thái cải cách của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Khác với Bộ Y tế khi chúng tôi làm việc hôm 20-9, không công bố chỉ số nào cả. Lúc nào cũng “tiếp tục, đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao”. Bộ Công Thương làm cách khác là quyết định về cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Điều này rất tích cực, thể hiện quyết tâm rõ ràng, tiên phong của bộ trưởng Bộ Công Thương” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra chuyên ngành nói chung vẫn đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Mỗi năm các DN tốn khoảng 30 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng cho hoạt động này.
“Chúng ta không thể buông lỏng quản lý nhà nước nhưng phải xem xét thực tế, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN. Năm 2017 là năm Chính phủ đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
“Không ngờ Bộ còn cắt mạnh tay hơn”
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá quyết định bỏ giấy phép con của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gây sửng sốt, cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất mạnh của Bộ. “Mấy hôm trước chúng tôi còn tư vấn cho Thủ tướng giao thẳng cho bộ trưởng Bộ Công Thương cắt giảm 300 thủ tục “tự chọn, cái nào có lợi cho anh anh cứ giữ”, không ngờ bộ trưởng còn cắt mạnh tay hơn” - ông Thiên nói.
TS Trần Đình Thiên khẳng định đây là vấn đề để cải cách. “Cắt bụp một lúc được hơn 50% có nghĩa là hệ thống điều kiện kinh doanh của ta quá bất hợp lý. Nếu soi kỹ có thể cắt gần hết, bởi xét từng điều kiện kinh doanh thì chất lượng đều có vấn đề, kể cả những điều kiện được giữ lại” - TS Thiên nói.
Mặt khác, TS Thiên lưu ý việc cắt giảm 50% giấy phép con này phải tránh việc sẽ tăng thủ tục, thời gian cho gần 50% điều kiện kinh doanh còn lại. “Tôi hoan nghênh việc cắt nhưng có những vấn đề rất then chốt chúng ta đã tập trung vào chưa? Chất lượng của thủ tục cắt sẽ thế nào, hay chúng ta mới chỉ cắt cái râu ria, tác động rất hạn chế? Báo chí với sự tinh quái của họ họ cũng sẽ đặt ra vấn đề này” - TS Thiên nói.
Thậm chí TS Thiên còn phân tích: “Bỏ nhiều thế này, tổng thủ tục 1.000 ngày, giờ còn 500 ngày, tự nhiên ông không phải làm một số việc nữa, ông dành cho 500 việc kia. Vậy thời gian cho 500 việc kia ông có giảm không?”.
Không phiêu lưu chính trị Cải cách của Bộ Công Thương không phải là cuộc “phiêu lưu chính trị, thành tích chính trị” mà có định hướng rõ ràng. Việc cắt 675 điều kiện kinh doanh và bãi bỏ các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành không phải là quyết định “qua một đêm” mà là kết quả của cả một quá trình rà soát từ đầu nhiệm kỳ và cũng không phải là để gây ấn tượng. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, quyết tâm tiếp tục đổi mới, cải cách, đồng thời vẫn phải bảo đảm quản lý nhà nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương TRẦN TUẤN ANH |
Đừng để người kinh doanh phải kêu cứu
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Công Thương hết sức quan tâm trả lời các kiến nghị của DN. Lấy tài liệu mang theo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đọc kiến nghị của Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông TNT: “Chúng tôi khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm đến các vấn đề này để DN bớt khổ. Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề đối với thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông.
Đối với các thiết bị phải xin giấy phép nhập khẩu thì khi thông quan yêu cầu phải có giấy phép. Muốn có giấy phép phải có hợp quy, muốn hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn đo kiểm, do đó lại phải xin giấy phép tạm nhập để đo kiểm từ Bộ Công Thương nhanh thì mất một tuần, đưa thiết bị về đo kiểm nhanh mất 10 ngày, xin hợp quy mất 10 ngày. Nếu nhanh, xin giấy phép mất 10 ngày trong khi hải quan yêu cầu tối đa 30 ngày phải nộp giấy phép.
DN đều phải chạy “vắt chân lên cổ” và phải chạy vạy may ra mới kịp vì chỉ sai hay thiếu một giấy tờ gì là mất thêm vài ngày. Kính mong Chính phủ xem xét và đề nghị các cơ quan ban ngành phối hợp đưa ra phương án tối ưu giúp DN”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ Công Thương đã trả lời kiến nghị này của DN chưa đủ sức thuyết phục.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, đặt vấn đề tại sao DN may quân phục cho nước ngoài vẫn phải cần có “xác nhận của nơi sử dụng cuối cùng”. Điều này gây khó cho DN, bởi nhiều khi họ chỉ nhận đơn hàng từ bên trung gian.
Nhiều nhà kinh doanh cũng phàn nàn về quy định với các nguyên liệu “đầu thừa đuôi thẹo” trong gia công may mặc buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy, nếu sử dụng sẽ bị đánh thuế. Tiêu hủy rất tốn kém, lại gây khói bụi. Trong khi DN có thể tận dụng may quần áo trẻ em hoặc như trước kia là làm ruột gối.
Đáng chú ý, đại diện Hiệp hội Gas phản ánh rằng Bộ Công Thương đã tuyên bố bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất nhưng một năm đã qua vẫn không thực hiện. Hiện mọi lô hàng khí hóa lỏng đều phải qua thủ tục này.
“DN phải lên Cục Hóa chất hai lần chỉ để được xác nhận đã khai báo, theo quy định của Bộ Công Thương mất bảy ngày. Nhưng hải quan thì quy định phải xuất trình ngay giấy xác nhận. Mà chúng tôi chỉ có 24 tiếng để dỡ hàng, nếu chậm thì tàu 1.000 tấn sẽ bị chủ tàu phạt từ 6.000 đến 9.000 USD một ngày, vậy đợi bảy ngày là bao nhiêu?” - đại diện Hiệp hội Gas đặt câu hỏi.
Đừng nghi ngờ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Bộ Công Thương đã đi tiên phong trong nói và làm, hành động cụ thể để cải cách. Chúng ta không nên nghĩ rằng Bộ làm để đối phó, bởi nếu làm không tốt thì Văn phòng Chính phủ, cổng thông tin điện tử Chính phủ sẽ nhận được kiến nghị của DN ngay. “Đề nghị các bộ ủng hộ Bộ Công Thương, các vụ, cục cũng ủng hộ lãnh đạo Bộ để chúng ta cùng cải cách mạnh mẽ vì mục tiêu chung. Đừng nghi ngờ bộ trưởng Bộ Công Thương” - ông Dũng nói. Ông Dũng đề nghị trong thời gian tới Bộ Công Thương cần lưu ý tập trung tiếp tục rà soát danh mục các mặt hàng còn chồng chéo trong kiểm tra giữa các bộ. Hướng tới đây là sẽ báo cáo Thủ tướng để một mặt hàng chỉ giao một bộ chủ trì. |