Sáng nay, 22-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói Thủ tướng khen Bộ Công Thương vì những cải cách cụ thể và quyết liệt. Ảnh: CHÂN LUẬN
Quyết định chưa từng có tiền lệ
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi Bộ Công Thương có những cải cách quyết liệt về chủ động sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, trực tiếp chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, và quyết tâm rất cao trong việc dự kiến cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh tại quyết định số 18 ngày 21-9. Đây được xem là quyết định chưa từng có trong lịch sử ngành công thương.
“Kiểm tra chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh đã tồn tại nhiều năm nay, ngay một lúc thì khó bỏ. Nhưng không vì lý do đó mà trói buộc, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Sau khi chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng về những động thái cải cách của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực của tập thể lãnh đạo Bộ, các cơ quan trực thuộc đã tạo sự đồng thuận về nhận thức, cách làm.
“Khác với Bộ Y tế khi chúng tôi làm việc ngày hôm qua (21-9) không công bố chỉ số nào cả. Lúc nào cũng “tiếp tục, đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao”. Bộ Công Thương làm cách khác là ra thông tư, quyết định về cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Điều này rất ích cực thể hiện quyết tâm rõ ràng, rất cao của Bộ trưởng Bộ Công Thương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cảm ơn những đánh giá tích cực của Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: vấn đề quan trọng nhất trong cải cách, cắt giảm những điều kiện kinh doanh… là nhận thức, chuyển biến tư duy.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói không vì thành tích chính trị mà cắt giảm bừa bãi nhưng phải làm có khoa học và đồng thuận, quyết tâm. Ảnh: CHÂN LUẬN
Khẳng định việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh được dự kiến ngày 21-9 là sự trùng hợp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích vì quá trình cắt giảm này phải rà soát, thống nhất trong các cơ quan của bộ và cần sự nhận thức chung về cải cách của các cán bộ phụ trách.
“Chúng ta không thể vì thành tích chính trị mà tuyên bố cắt bỏ ngay các điều kiện kinh doanh. Mà ngược lại, cần phải thống nhất về quan điểm, tư duy, tạo nhận thức chung về cải cách. Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh cũng là trải qua một quá trình rà soát và có quyết tâm từ bộ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Chính phủ hãy quan tâm để doanh nghiệp bớt khổ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Công Thương hết sức quan tâm trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Bởi từ 1-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ông trực tiếp đứng tên trên Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến của doanh nghiệp tại địa chỉ doanhnghiep.plo.vn. Bộ Công Thương đã làm tốt việc trả lời, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề.
Lấy tài liệu mang theo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đọc kiến nghị của Công ty cổ phần dịch vụ viễn thông TNT: “Chúng tôi khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm đến các vấn đề này để doanh nghiệp bớt khổ. Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề đối với thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông.
Đối với các thiết bị phải xin giấy phép nhập khẩu thì khi thông quan yêu cầu phải có giấy phép, muốn có giấy phép phải có hợp quy, muốn hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn đo kiểm, do đó lại phải xin giấy phép tạm nhập để đo kiểm từ Bộ Công Thương nhanh thì mất một tuần, đưa thiết bị về đo kiểm nhanh mất 10 ngày, xin hợp quy mất 10 ngày. Nếu nhanh, xin giấy phép mất 10 ngày trong khi Hải quan yêu cầu tối đa 30 ngày phải nộp giấy phép.
Doanh nghiệp đều phải chạy “vắt chân lên cổ” và phải chạy vạy may ra mới kịp vì chỉ sai hay thiếu một giấy tờ gì là mất thêm vài ngày. Kính mong Chính phủ xem xét và đề nghị các cơ quan ban ngành phối hợp đưa ra phương án tối ưu giúp doanh nghiệp”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ Công Thương đã trả lời kiến nghị này của doanh nghiệp chưa đủ sức thuyết phục.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết trong năm 2016, có 110 nghìn doanh nghiệp thành lập nhưng số doanh nghiệp “nhập viện” cũng rất lớn. Con số thành lập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa nếu số doanh nghiệp “đau ốm” nhiều. “Thủ tướng rất trăn trở về vấn đề này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.