Rắc rối vụ giám đốc thẩm hủy bản án đã thi hành xong

(PLO)- Giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án, trong khi cơ quan thi hành án đã bán đấu giá tài sản là căn nhà cho người thứ ba và thi hành xong bản án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh tới báo Pháp Luật TP.HCM, vợ chồng ông Thi Văn Nghi (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết đã làm đơn gửi đi rất nhiều cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết việc Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Củ Chi không cho ông thi hành bản án tranh chấp hợp đồng vay tài sản để lấy lại nhà.

Bán xong nhà thì tòa hủy án

Theo đó, vào tháng 8-2010, nguyên đơn trong vụ án là bà ĐTNT và ông PNA cho bà Nguyễn Thị Thu vay 15 cây vàng SJC. Hai bên có lập giấy nhận nợ vào ngày 7-8-2010, thời hạn thanh toán là một năm. Để đảm bảo cho khoản nợ trên, bà Thu đã giao cho bên nguyên đơn một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do trả nợ không đúng hạn nên năm 2014, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bà Thu phải thanh toán 15 cây vàng (tương đương 550 triệu đồng) cùng tiền lãi tổng cộng là 649 triệu đồng.

Về phía bị đơn, bà Thu cho biết không vay vàng mà con trai mình vay rồi cầm giấy tờ nhà đưa cho nguyên đơn. Tài sản vay cũng không phải là vàng mà là 200 triệu đồng, sau đó cộng cả vốn lẫn lãi số tiền vay lên tới 420 triệu đồng (tương đương 15 cây vàng). Do đang nợ tiền nên ngày 7-8-2010 bà mới ký vào giấy nhận nợ 15 cây vàng (quy đổi từ số tiền nợ). Do đó, bà Thu không chấp nhận trả 15 cây vàng và yêu cầu nguyên đơn giao trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tháng 1-2014, xử sơ thẩm, TAND huyện Củ Chi tuyên buộc bà Thu phải trả cho nguyên đơn số tiền hơn 292 triệu đồng. Đồng thời, nguyên đơn phải trả lại giấy chứng nhận cho bà Thu.

Đến tháng 7-2014, xử phúc thẩm, TAND TP.HCM lại tuyên buộc bà Thu phải trả cho nguyên đơn hơn 524 triệu đồng (tính theo giá trị 15 cây vàng) vì cho rằng trên giấy nhận nợ vay 15 cây vàng nên bà Thu phải có nghĩa vụ trả giá trị tương đương với 15 cây vàng.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, do phía bà Thu không tự nguyện THA nên Chi cục THADS huyện Củ Chi đã thực hiện các thủ tục cưỡng chế THA, kê biên và bán đấu giá tài sản là căn nhà của bà cho người thứ ba.

Quá trình thi hành bản án nêu trên được hoàn tất vào khoảng tháng 10-2016. Tuy nhiên, gần một năm sau, vào tháng 6-2017, TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM.

Đến tháng 9-2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM để xét xử phúc thẩm lại.

Vợ chồng ông Nghị, bà Thu đã khiếu nại cơ quan thi hành án nhiều năm nay để lấy lại nhà và giấy tờ. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Vợ chồng ông Nghị, bà Thu đã khiếu nại cơ quan thi hành án nhiều năm nay để lấy lại nhà và giấy tờ. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Sẽ họp liên ngành để giải quyết

Sau khi bản án phúc thẩm bị hủy để xét xử lại, tháng 9-2019, TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án vì nguyên đơn dù đã được triệu tập nhiều lần nhưng đều vắng mặt (từ bỏ việc kháng cáo). Đồng thời, HĐXX tuyên bản án dân sự sơ thẩm năm 2014 của TAND huyện Củ Chi có hiệu lực.

Lúc này, phía bị đơn là bà Thu đã làm đơn THA trả cho nguyên đơn số tiền hơn 292 triệu đồng và yêu cầu lấy lại nhà đất, giấy tờ kèm theo.

Tuy nhiên, Chi cục THADS huyện Củ Chi cho biết không có cơ sở chấp nhận cho bà Thu nộp tiền để THA vì bản án đã được thi hành trước đó và tài sản đã bán đấu giá giao cho người thứ ba.

Mới đây nhất, trong buổi làm việc với Cục THADS TP.HCM ngày 29-9-2022, đại diện Chi cục THADS huyện Củ Chi cho biết không thể thi hành được quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND TP.HCM và bản án sơ thẩm năm 2014 vì trước đó chấp hành viên đã tổ chức thi hành xong bản án phúc thẩm ban đầu. Tài sản cũng được kê biên bán đấu giá cho người thứ ba.

Ngoài ra, đại diện Cục THADS huyện Củ Chi cũng cho biết năm 2016 trong quá trình thi hành bản án mặc dù chấp hành viên có một số thiếu sót, vi phạm nhưng các thiếu sót, vi phạm này không đủ cơ sở để hủy kết quả bán đấu giá tài sản là nhà đất của bà Thu.

Cũng trong buổi làm việc này, ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THADS TP, cho biết đây là vụ án có tính chất phức tạp do bản án đã được thi hành xong trước đó. Do đó, Cục THADS TP.HCM sẽ tổ chức họp liên nghành TP để có hướng giải quyết vụ việc.•

Ai sẽ bồi thường nếu thiệt hại xảy ra?

Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật, bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi tuyên án. Do đó năm 2016, do người phải THA (bà Thu) không tự nguyện thi hành, cộng thêm thời điểm này chưa có quyết định giám đốc thẩm nên cơ quan THA có quyền cưỡng chế kê biên và bán phát mãi tài sản.

Tuy nhiên, trong vụ án này, khi THA lần đầu, cơ quan THA đã thi hành bản án phúc thẩm năm 2014, tức bà Thu phải trả cho nguyên đơn hơn 524 triệu đồng. Trong khi văn bản có hiệu lực sau cùng là quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm năm 2019 nếu đem đi thi hành thì bà Thu chỉ phải thi hành khoản tiền hơn 292 triệu đồng. Do đó, quyền và lợi ích của bà Thu đang bị xâm hại.

Ngoài ra, Điều 136, khoản 3 Điều 135 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) cũng quy định trường hợp quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi quyền tài sản.

Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản. Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị hủy, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.

Do vậy, hiện nay Cục THADS TP đang giải quyết khiếu nại của bà Thu về quá trình THA nên sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại sẽ là căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về bồi thường trong hoạt động THADS.

Trường hợp cho rằng tòa án các cấp xét xử đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì bà Thu có quyền khiếu nại, tố cáo. Kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo của chánh án tòa án có thẩm quyền sẽ là căn cứ để yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự.

Luật sư NGUYỄN THẾ THỌ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm