Hiện tỉ lệ bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) còn rất thấp (khoảng 40%), chỉ bằng 1/2 so với tỉ lệ có thẻ BHYT chung của cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản khiến người nhiễm HIV không tiếp cận với BHYT. Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các tổ chức xã hội với các đối tác trong phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện ma tuý”. Chương trình do Bộ Y tế phối hợp với Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 1-12 tại Hà Nội.
Được biết hiện cả nước có hơn 200.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 90.000 người đã tử vong. Riêng 10 tháng qua, cả nước phát hiện thêm khoảng 8.000 người nhiễm HIV.
Theo báo cáo từ Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), có rất nhiều rào cản khiến người nhiễm HIV không tiếp cận với BHYT.
Cụ thể, khi khám bằng BHYT, các bệnh nhân đều phải công khai danh tính, thông tin trong khi họ muốn giấu để tránh bị kỳ thị. Khám bệnh theo BHYT thủ tục cũng rườm rà hơn.
Thậm chí tại nhiều nơi, thái độ phục vụ của nhân viên y tế còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV. Nhân viên y tế luôn áp đặt bệnh nhân trong tình thế bắt buộc phải có BHYT để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh, vô tình làm cho bệnh nhân hoang mang, lo sợ dẫn đến việc tuân thủ kém và bỏ điều trị.
Vẫn có một số nhân viên y tế, bác sĩ câu móc bệnh nhân để điều trị tự túc về thuốc ARV, đặc biệt là những phụ nữ hành nghề mại dâm ở nước ngoài. Việc này dẫn đến tình trạng bỏ điều trị hoặc đang điều trị tại phòng khám nhưng số lượng thuốc lĩnh không đủ để mang đi, bắt buộc họ phải mua thêm từ các nhân viên y tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nhiều người nhiễm HIV đang được điều trị và sống khoẻ mạnh, cống hiến tốt cho xã hội. Xã hội nên nhìn nhận đó là những người bệnh cần giúp đỡ, chia sẻ để họ vượt qua khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng, để phòng chống HIV rất cần sự chung tay, tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng. Trong đó, BHYT phải hỗ trợ cho người nhiễm HIV, đồng thời cần phải huy động được các nguồn lực và đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các nguồn khác nhau.