Hiện đại nhưng… quá nhỏ
Một trong những thuận lợi cho Nhà hát Trần Hữu Trang mà giám đốc nhà hát NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu nêu là nhà hát sẽ được giao sử dụng công trình Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo sẽ được khánh thành thành vào ngày 18-4-2015 tới đây.
Tuy nhiên, ngay sau đó vị giám đốc nhà hát – đạo diễn cải lương tên tuổi này đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng ngay. Theo ông rạp Hưng Đạo mới có sàn diễn quá nhỏ, nhỏ hơn cả rạp cũ và sàn sân khấu so với khán phòng quá thấp. Sàn diễn nhỏ như vậy gây khó khăn cho việc dàn dựng vở diễn và thiếu cả không gian cánh gà để chuyển cảnh, thiếu chỗ ngồi cho dàn đờn ngồi. Ông bảo dàn âm thanh, ánh sáng của rạp đúng là quá hiện đại, nhưng lại quá dư thừa và không biết thiết kế, lắp đặt vào đâu so với cái sàn diễn, khán phòng nhỏ, chật như vậy. Thêm vào đó so với rạp cũ số ghế lên đến hơn 1.000, số ghế ở rạp mới chỉ khoảng 600 ghế, tính luôn trên lầu, vị trí trên lầu lại khá khó coi cho người xem. Điều này hoàn toàn khác với cái rạp hát cải lương trong mơ theo như mong đợi của giới cải lương là một nhà hát hiện đại, sân khấu rộng có thể dựng được những vở diễn hoành tráng, cảnh trí lung linh, kỹ xảo tân kỳ…
Với rạp Hưng Đạo mới, đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết mọi dự tính của ông cho vở cải lương Chiến binh (công trình lớn chào mừng đại lễ 30-4 sắp đến có kinh phí đầu tư 500 triệu đồng) coi như phá sản. Ông đang rất đau đầu để xử lý lại vở diễn này theo sân khấu mới. Còn nghệ sĩ Quế Trân vừa với tư cách nghệ sĩ cải lương vừa với tư cách thành viên Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM chia sẻ: “Khán giả cải lương số đông là người bình dân, làm vở bán vé bình dân thì phải cái rạp ghế ngồi nhiều như rạp cũ mới có số thu khả quan. Còn làm vở lớn đầu tư tiền tỉ thì số ghế cũng phải nhiều như nhà hát Bến Thành mới có lời được. Bây giờ cái rạp sân khấu vừa nhỏ, số ghế vừa ít như vầy biết bầu show, tư nhân bên ngoài có chịu vào thuê mướn làm chương trình để nhà hát có thêm kinh phí không?”.
Nhỏ do an toàn phòng cháy chữa cháy
Với câu hỏi tại sao những người làm chuyên môn như ông Trần Ngọc Giàu không có góp ý chuyên môn khi xây một cái rạp hát cho cải lương thì câu trả lời là một câu chuyện được kể một cách không chính thức. Xây mới rạp Hưng Đạo là một dự án kéo dài cả 10 năm, cứ hoãn đi hoãn lại mãi. Công trình này được UBND TP.HCM quyết tâm hoàn thành trong năm 2015 này như một công trình trọng điểm chào mừng 40 năm thống nhất đất nước. Trong kế hoạch, bản vẽ xây dựng lần cuối đạo diễn Hoa Hạ đã được Ban quản lý công trình xây dựng rạp Hưng Đạo mới mời cho ý kiến. Tuy nhiên ý kiến chuyên môn từ người làm sân khấu đã xung khắc gay gắt với những người làm xây dựng nên những lần họp sau phía đại diện sân khấu không được mời nữa. Còn phía xây dựng cho biết sở dĩ sân khấu nhỏ như vậy là vì thiết kế phải tuân thủ chừa hành lang phòng cháy chữa cháy, chừa lối thoát hiểm hai bên hông… Trước đây đã có ý kiến rạp Hưng Đạo cũ khá nhỏ để xây lại một rạp hiện đại mới, tuy nhiên nơi này có ý nghĩa lịch sử là một “thánh địa” của cải lương, là nơi giới cải lương qui tụ hàng mấy chục năm qua nên thành phố quyết giữ.
Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo đang gấp rút hoàn thành trong những ngày cuối. Ảnh: Hòa Bình
Được biết, công trình xây dựng Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo do Sở VH-TT-DL TPHCM làm chủ đầu tư, tổng kinh phí là 132 tỉ đồng với thiết kế kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, gồm năm tầng lầu, một tầng hầm. Đây là công trình dân dụng cấp 2 với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng được đầu tư hiện đại. Trung tâm có hai sân khấu, một sân khấu nhỏ khoảng 300 ghế ngồi và một sân khấu lớn khoảng 600 ghế ngồi. Ngoài chức năng biểu diễn, công trình còn bố trí các sân khấu thể nghiệm, khu làm việc cho nhân viên nhà hát, khu đào tạo diễn viên, phòng truyền thống và khu vực sản xuất băng đĩa… Công trình này không chỉ dành để biểu diễn cải lương mà còn dành biểu diễn những loại hình sân khấu truyền thống khác như hát bội.
Hiện ban giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đang vận động xin đổi tên Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Cải lương vẫn rối mù Đó là phát biểu của đại diện Ủy bàn Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM khi nghe báo cáo tình hình và giải pháp cho cải lương từ ban giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Theo đ5i diện nhà hát, tình hình làm vở bán vé của nhà hát là bất khả thi vì tình hình chung của cải lương lẫn nhiều loại hình biểu diễn khác là khán giả đã mất thói quen mua vé mà chỉ xem chương trình miễn phí , xem truyền hình. Các xuất diễn phục vụ của nhà hát không đạt hiệu quả vì kinh phí được cấp quá thấp, chất lượng kém, khán giả không muốn xem dù miễn phí. Trong khi đó lương, chế độ thù lao đêm diễn, thù lao tập dợt cho nghệ sĩ quá thấp, nhân viên hậu đài, cán bộ công nhân viên nhà hát quá thấp, không đủ sống. Về rạp mới chi phí điện nước, hành chánh tăng cao nhưng kinh phí hoạt động được cấp không tăng… Nhà hát xin thành phố bù lỗ kinh phí các đêm diễn, hỗ trợ kinh phí điện nước, tăng lương, thù lao cho nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên nhà hát, xin kinh phí xây dựng vở diễn ban đầu, xin kinh phí đào tạo diễn viên, xây nhà lưu trú cho nghệ sĩ, học viên, công nhân viên nhà hát… Hỏi giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang – đạo diễn Trần Ngọc Giàu: nếu không có tiền từ ngân sách, nhà hát có làm những chương trình, vở diễn mình đã lên kế hoạch như qui tụ ngôi sao làm lại các vở của soạn giả Trần Hữu Trang, làm các chuyên đề về các nghệ sĩ tên tuổi… hay không? Ông giám đốc mới nhận chức không bao lâu trả lời: “Tôi vẫn phải làm vì đó là trách nhiệm của tôi, nhưng làm kiểu không tiền khác với làm mà có vốn, có tiền”. |