Và cũng chính tại rạp hát này, công chúng lục tỉnh Nam kỳ đã được xem vở cải lương đầu tiên vào tối 15-3-1918.
Rạp Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, sau này trở thành hí viện Vĩnh Lợi và hiện nay là rạp Tiền Giang - Ảnh tư liệu
Vở cải lương đầu tiên
Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử cải lương VN, chúng tôi đọc được một số tài liệu ghi vở cải lương đầu tiên của VN trình diễn tại rạp Thầy Năm Tú có tên là Lục Vân Tiên, lại có tài liệu nói là vở Kim Vân Kiều. Ngay cả quyển Tiền Giang với nghệ thuật sân khấu cải lương mới xuất bản năm 2013 của tác giả Lê Ái Siêm ở trang 58 cũng ghi: “Đêm 15-3-1918 là đêm lễ hội tưng bừng của Mỹ Tho, vở cải lương Lục Vân Tiên được công diễn. Ghe thuyền của dân lục tỉnh đặc kín sông Bảo Định. Thiên hạ đen nghẹt, xô đẩy giành nhau mua vé.
TS Võ Thị Yến (Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) nói rằng đề tài luận văn tiến sĩ của bà mới bảo vệ thành công là về lịch sử cải lương nên đã nghiên cứu rất sâu, rất kỹ. TS Yến khẳng định vở cải lương đầu tiên ra mắt ngày 15-3-1918 là chính xác. Còn đêm đó diễn vở gì thì TS Yến cho rằng: “Tuồng hát Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản được chọn làm tuồng khai trương gánh hát Thầy Năm Tú”. Thạc sĩ Nguyễn Thành Lợi (Trường CĐSP trung ương TP.HCM) nói cụ thể hơn: “Ngày 15-3-1918, ông Lê Văn Thận sang gánh hát cho ông Châu Văn Tú, gọi là gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho và diễn vở Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản tại rạp Cinéma Théâtre - tức rạp Thầy Năm Tú”. Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ Tấn Nhì bổ sung: “Tuồng hát Kim Vân Kiều được chọn làm tuồng khai trương đúng vào ngày sinh nhật của chủ nhân gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho là ngày 15-3-1918 tại rạp hát mang tên ông”.
Vậy vở Lục Vân Tiên diễn vào thời điểm nào? TS Võ Thị Yến cho biết vở này cũng do Trương Duy Toản dựng và diễn vào năm 1917 tại đoàn hát của André Thận, trước khi ông dựng vở Kim Vân Kiều.
Thầy André Thận ở Sa Đéc được xem là người có công trong việc phát triển loại hình ca tài tử mới là ca ra bộ, rồi cũng đi tiên phong trong việc tổ chức dựng vở tuồng mang hơi hướng cải lương sau này. Tuy nhiên do quản lý kém và ăn chơi quá trớn nên phải bán gánh hát cho thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Khi thầy Năm Tú tiếp nhận gánh hát đã tuyển thêm một số đào, kép mới và chuộc luôn các vở tuồng của thầy André Thận; mướn thợ vẽ tranh theo lối trang trí rạp hát ở Sài Gòn; may thêm nhiều trang phục biểu diễn cho đào, kép; đồng thời mời ông Trương Duy Toản về làm thầy tuồng cho gánh hát của mình. “Trương Duy Toản là soạn giả hữu danh đầu tiên của sân khấu cải lương trong thời kỳ thứ nhất (1917-1922) và là tác giả của các vở: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Châu mộng hồ điệp, Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu... Ông cũng là người sáng tác vở tuồng ca ra bộ đầu tiên có tên Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, được xem là người khởi công xây dựng một sân khấu mới” - TS Yến nói.
Thầy Năm Tú - Ảnh tư liệu
Thầy Năm Tú và đĩa hát Pathé Phono
TS Mai Mỹ Duyên nói rằng xưa nay các tài liệu về lịch sử cải lương đề cập đến thầy Năm Tú không nhiều, chủ yếu là lướt qua vì “người ta tìm hiểu sâu về đào, kép chứ ít có ai ghi chép về các bầu gánh”. Cũng vì vậy mà tài liệu từ trước đến nay đều không có thông tin gì về năm sinh, năm mất của thầy Năm Tú. Thậm chí nhiều tài liệu chỉ lướt qua vài dòng rồi chuyển đề tài sang nói về đào, kép nổi danh lúc đó như Năm Phỉ, Bảy Nam...
Tại hội thảo về cải lương ngày 18-1 ở Tiền Giang, TS Võ Thị Yến nói về ông chủ gánh hát cải lương đầu tiên thế này: “Thầy Năm Tú lập gánh hát chơi chứ không chú trọng nhiều về mặt kinh doanh và sống với anh em nghệ sĩ rất tốt. Ông sắm cho gánh một chiếc ghe rất lớn, đào kép có thể ăn ở, tập tuồng ngay trong ghe. Năm 1922 ông đem gánh hát lên Sài Gòn biểu diễn tại Chợ Lớn. Ông còn có sáng kiến giới thiệu đào kép (tableau vivant) bằng cách cho đào kép ra chào khán giả trước khi biểu diễn”. Thầy Năm Tú cũng có quan điểm về nghệ danh của đào kép rất đơn giản rằng kép hát, đào hát cũng là người sống trong giang hồ, nên lấy quy củ giang hồ mà đặt tên. Để cái thứ trong gia đình trước cái tên là xong. Vì thế ông cũng tự đặt cho mình cái tên rất gần gũi là thầy Năm Tú.
Khi trò chuyện với GS.TS Trần Văn Khê, chúng tôi được biết ông là đồng hương của thầy Năm Tú, tức ở làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho. GS Khê cho biết thêm thầy Năm Tú tên thật là Châu Văn Tú, có người gọi là Pierre Tú vì ông có quốc tịch Pháp, có vợ là cô Tám Hảo (em ruột cô Năm Thoàn là đào hát của gánh hát thầy Năm Tú). Ông là người hào hoa phong nhã, cũng là người Việt đầu tiên mua chiếc xe hơi tại nước Việt. Sau mấy năm nhờ có rạp hát và bán đĩa hát hái ra tiền nên sinh tật xài lớn. Sử sách không ghi rõ lý do gì nhưng thấy làm ăn ngày càng sa sút, đến nỗi phải bán rạp hát cho người khác.
“Mặc dù thầy Năm Tú không phải là kép hát nhưng có công xây dựng một rạp hát đầy đủ phương tiện, là một cơ ngơi xứng đáng cho những buổi diễn lớn. Ông lại có công gắn liền tên gánh hát của mình vào đĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương đến những nơi hẻo lánh; đồng thời tạo điều kiện cho những đào, kép giỏi có chỗ hành nghề, xây dựng tên tuổi. Các nghệ sĩ lừng danh như Tám Danh, Ba Du, Năm Châu... đều coi thầy Năm Tú như một ân nhân, giúp họ bước chân vào nghề và tiến bộ trong nghệ thuật cải lương” - ông Khê nói.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc nói thêm về đĩa hát thầy Năm Tú: “Lẽ dĩ nhiên là tuồng hát và ban hát của thầy Năm Tú được vô đĩa hết. Đĩa hát nào cũng khởi sự bằng câu “Alô! Bạn hát cải lương của thầy Năm Tú tại Mỹ Tho, ca cho Hãng Pathé Phono nghe chơi”. Nhớ bạn hát chứ không phải ban hát, có dấu nặng dưới chữ a, bạn có lẽ do bọn mà ra. Văn chương thật kỳ lạ. Tại sao không hát cho thính giả toàn quốc nghe mà chỉ hát cho Hãng Pathé Phono nghe? Và văn chương tuồng tích thì... À thôi, xin không phê bình, cứ trích thử một câu để hồn ma của Hãng Pathé Phono thưởng thức chơi: “Than ôi! Cầu ván chung chinh (chông chênh) nhịp bước, còn cái giải Bích Nguyên lai láng giọt sương”. Văn chương mùi mẫn như vậy nên các bà các cô nghe thì mủi lòng rơi lệ hết ráo, vì hay quá xá. Thế là máy hát bán chạy như tôm tươi. Dần dần các đĩa thầy Năm Tú ở Mỹ Tho được đưa vào thôn ổ vài cái câu khơi mào kỳ khôi ấy được từ thành thị đến thôn quê thuộc làu và đọc lên chơi cho vui miệng”.
Chuyện về đĩa hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho thời kỳ đó trở nên rất nổi tiếng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Nhiều người Sài Gòn xem thầy Năm Tú như là một nhân vật, một sự kiện đặc biệt, đến mức khi hỏi về vật dụng khác cũng đề cập đến ông. Chẳng hạn: “Cái cà vạt của anh chắc đã sắm vào thời thầy Năm Tú phải không?”. Còn cách quảng cáo quê mùa của Thầy Năm Tú trên đĩa hát kiểu như: “Alô! Bạn hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho Hãng Pathé Phono nghe chơi! Tuồng Kỳ duyên tao ngộ. Alô! Tăng... tắng... tằng...tăng/ Than thở than, đất rộng ông trời dài/ Ra vô, lụy ứa châu mày”, thì ông được xem là tổ sư của ngành tiếp thị. Đó là việc ông có dụng ý bắt hãng đĩa này phải trực tiếp quảng cáo cho gánh hát của ông, nhờ vậy mà đâu đâu cũng biết tiếng gánh hát Thầy Năm Tú. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Hoài Anh còn cho hay thời đó các nghệ sĩ của gánh hát Thầy Năm Tú được Hãng đĩa Pathé Phono mời thu đĩa đầu tiên.
Tuy nhiên về sau do thiếu vốn làm ăn nên gánh hát Thầy Năm Tú đã tan rã vào năm 1928. Việc sản xuất đĩa cũng bị dừng không lâu sau đó.
Theo Tuổi Trẻ