Trưa 5-11, mới chỉ vài giờ bắt đầu tang lễ mà đám tang NSƯT Út Bạch Lan đã phủ rợp những vòng hoa lan trắng như tình cảm thương tiếc của công chúng, nghệ sĩ dành cho bà - người nghệ sĩ mang tên một loài hoa luôn thanh khiết, thuần hậu như cái cách bà đã sống trong đời.
Dữ nhất chỉ là khi bà... cằn nhằn vài tiếng
Nếu xét một nghệ sĩ có ăn học bằng cấp cao thì nghệ sĩ Út Bạch Lan thật sự chẳng có ăn học bao nhiêu với gia cảnh thiếu thời. Vậy nhưng ai có tiếp xúc với bà mới thấy văn hóa ứng xử, trải nghiệm cuộc đời và nhân cách của bà thật đáng kính trọng. Với ai bà cũng nói chuyện thật nhỏ nhẹ, dạ thưa, xưng là “Út” rất nhẹ nhàng, lễ độ. Cả đời bà rất sợ làm mích lòng người khác nên có việc gì cũng lo toan cẩn thận, suy nghĩ chu đáo cho mọi người. Như đã hẹn làm việc là bà luôn đến đúng giờ dù phải ngồi chờ nghệ sĩ hàng con cháu khi biết họ sẽ đến trễ. Hẹn đi từ thiện là bà xuống nhà sớm cả tiếng đứng ngoài đường đón mọi người vì sợ nhà bà ở chung cư, người khác tìm không ra thì tội.
Làm đào chính hay bầu gánh, trưởng đoàn trước hay sau năm 1975 chẳng nghe ai than phiền sau lưng bà rằng bà tỏ vẻ ngôi sao hay tranh giành, chèn ép một ai. Cái sự dữ nhất của bà chỉ là cằn nhằn vài tiếng rồi thôi nếu không hài lòng nhưng chỉ với những người thân quen. Ngược lại, luôn có rất nhiều nghệ sĩ như Thanh Nga, Thanh Phú, Phương Hồng Thủy, Mỹ Thu, Ngân Vương… được bà nâng đỡ, dìu dắt.
Nghệ sĩ Thanh Phú kể trước năm 1975, khi được thế vai danh ca Thanh Hải đóng đôi cùng bà, ông sợ run quá nhưng bà vỗ vai nói cứ yên tâm đi, có gì bà lo cho. Với những nghệ sĩ đàn em như Bạch Tuyết, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Lệ Thủy… bà chẳng màng chính phụ, thấp cao. Ai nhờ đóng vai gì bà nhận vai đó nếu có thể tham gia, dù có khi chỉ là một vai nhỏ xíu làm nền hay hát một bài để lấy tên quảng cáo…
Sầu nữ Út Bạch Lan, hay còn là Nữ hoàng vọng cổ, Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng sầu mộng, Sầu nữ liêu trai, Vương nữ Sương Chiều…
Chữ “sầu” vận vào đời riêng
Tuổi thơ của bà là những ngày đói ăn thiếu mặc, cha mất sớm, cùng mẹ sống cảnh lang thang không nhà, ngủ đầu đường xó chợ. Chưa 10 tuổi đầu, bà cùng người anh mù kết nghĩa hơn mình vài tuổi cũng cùng mẹ sống cảnh lang thang như mình là nhạc sĩ Văn Vỹ đi hát rong để xin tiền.
Thập niên 1950, bà và nghệ sĩ Thành Được là đôi đào kép lẫy lừng bậc nhất làm nên danh tiếng và vị thế đại bang cho Đoàn cải lương Thanh Minh của bà bầu Thơ. Rồi ông và bà nên duyên chồng vợ trong một hôn lễ hoành tráng được báo giới, công chúng và tầng lớp xã hội chứng kiến, hân hoan chúc tụng. Vậy nhưng chẳng bao lâu sau, nghệ sĩ Thành Được vốn rất nổi danh hào hoa, đẹp trai, được bao nhiêu cô gái lụy tình lại đi vào con đường trăng hoa như chưa từng có vợ. Ông để xảy ra tai tiếng với những cô đào tài sắc đương thời khiến cô vợ trẻ Út Bạch Lan không biết bao lần rơi nước mắt. Cưới mới ba năm mà bốn lần có người dẫn con nhỏ hay vác bụng bầu đến tìm Út Bạch Lan nói rằng mình lỡ dại với chồng cô Út, trong đó có cả người bà cho sống chung nhà, xem như chị em ruột thịt.
Hết lòng cưu mang người dưng
Không chỉ nuôi con chồng, nghệ sĩ Út Bạch Lan còn nuôi rất nhiều con cháu của anh em ruột hay bạn bè, thậm chí là người thân đem gửi, nuôi từ nhỏ đến khi dựng vợ gả chồng như nghệ sĩ Lan Thảo, bởi bà vốn không có con. Với những nghệ sĩ đàn con đàn cháu đang cần chỗ nương dựa bà sẵn sàng cưu mang, như cho nghệ sĩ Phương Hồng Thủy ở cùng nhà suốt mấy năm dài như con nuôi. Hơn 20 năm nay, bà lập nhóm Hoa Lan Trắng gồm nhiều nghệ sĩ già yếu hay những nghệ sĩ không có nơi hoạt động để chuyên đi hát ở chùa và kết hợp cùng mạnh thường quân là bạn bè làm từ thiện. Vậy nên gần như cả đời bà chẳng se sua nhà lầu, xe hơi, nữ trang đắt giá, quần là áo lượt gì cả. Đi đâu bà chỉ giản dị chiếc áo bà ba hay tà áo dài, ở chung cư cũ hơn 50 năm nay, sẵn sàng đi tới lui bằng xe ôm. Làm có bao nhiêu tiền, bà để nuôi con cháu và làm từ thiện hết. Nghệ sĩ Phương Huệ kể có những lần những nghệ sĩ nghèo trong nhóm Hoa Lan Trắng được trả thù lao ít quá, bà tự lấy tiền cát xê của mình chia thêm cho họ.
Bởi thế, khi bà nằm xuống, ngay lập tức căn chung cư nhỏ của bà ở quận 1 đã chật nay chật thêm với rất nhiều những thân hữu yêu mến bà đến chung tay lo hậu sự. Có những người bạn tất bật bay từ Mỹ về ở chuyến sớm nhất. Có những người đi xe tốc hành từ miền Tây lên. Có người vượt kẹt xe từ những quận vùng xa nội ô để đến được quận 1 cho kịp giờ tẩn liệm bà lúc 12 giờ trưa. Nhiều nghệ sĩ như Diệu Hiền, Phượng Loan, Thoại Mỹ, Thành Lộc… cũng có mặt thật sớm.
Nghệ sĩ Diệu Hiền: Chị giúp tôi thấy lòng bình yên Chỉ vài ngày trước thôi chị Út còn kêu tôi đi hát. Tôi nói với chị là tôi chỉ đi được ban ngày nên chị hỏi đi hỏi lại cho chắc, bởi chị muốn giúp đỡ tôi. Chị là người đầu tiên dắt tôi đi hát ở chùa để biết Phật pháp, để thấy lòng mình bình yên, thấy cuộc đời thanh thản. Mà thật, từ mấy chục năm nay, chị giống như cô Hương trong Nửa đời hương phấn cắt tóc bước vô thiền môn để quên khổ đau trần thế. Chị tìm đến Phật pháp, buông bỏ hết mọi sân giận, buồn khổ lẫn vinh quang hay tủi nhục trong đời. |