Cách đây vài hôm, một thanh niên lên Facebook tuyên bố nếu bức ảnh của mình đủ 40.000 lượt like thì 7 giờ tối 20-9 sẽ... tự thiêu rồi nhảy xuống cầu Tân Hóa. Rõ ràng đây là một trò câu like, nhưng bất chấp tất cả số lượt like vẫn tăng lên vùn vụt.
“Thằng đó tự thiêu chưa?”
Sau một ngày, số lượt like đã tăng đến hơn 90.000. Đến thời điểm thanh niên kia hẹn sẽ tự thiêu, nhảy cầu, đám đông hiếu kỳ đã kéo nhau tới khu vực kênh Tân Hóa (quận Tân Phú, TP.HCM) đợi xem, làm ùn tắc cả quãng đường này khiến CSGT phải ra tay can thiệp. Không ai “xem” được anh chàng tự thiêu. Sau đó thì chàng ta post cái clip gọi là “tự thiêu nhảy cầu” lúc 23 giờ khuya, hình ảnh không rõ, đến giờ vẫn gây nhiều hoài nghi…
Thử đặt câu hỏi: Những người đến kênh Tân Hóa hôm đó là để làm gì? Họ xem một người có dám chết một cách ly kỳ rùng rợn như đã tự lên kịch bản, tự thông báo trước đó hay không (!). Những người không đến được thì ở nhà hóng xem có ai quay phim chuyện này để đưa lên mạng. Xem các trao đổi trên mạng xã hội mà thấy rùng mình: “Ai ở kênh Tân Hóa vui lòng livestream cho biết tình hình chiến sự đi”, “Ai có clip cho tui xin với nhen, dắt đi uống trà”… Không tìm được những comment rằng hãy ngăn cản anh ta, hãy báo công an ngăn chặn… Nếu lỡ cái chết xảy ra thật, đám đông ấy sẽ có cái man rợ của những đám đông hình thành trong những phiên tử hình, treo cổ công khai ngoài quảng trường thời Trung cổ.
Hàng trăm người tụ tập bên dòng kênh Tân Hóa chờ xem thanh niên đổ xăng tự thiêu tối 20-9. Ảnh: FACEBOOK
Mạng xã hội đã không còn là ảo khi nó lôi kéo hàng trăm con người tập trung lại một nơi, tạo ra một đám đông mà chính quyền phải ra tay can thiệp. Đôi khi cái nguyên cớ để tụ tập này lại rất “trời ơi đất hỡi”, ví như chuyện vào năm ngoái, hai cô gái mâu thuẫn trên Facebook hẹn nhau tại khu phố đi bộ trung tâm của TP để “thanh toán”.
Họ rảnh rỗi quá chăng? Không, thời buổi này ai chẳng bảo mình bận lắm! Chẳng qua là cái tò mò đã lấn át óc suy xét thông thường của con người về chuyện nên làm, đáng làm hay không nên, không đáng. Mạng xã hội và sự tương tác thường xuyên, rộng khắp của nó đã hình thành một tâm lý “để xem sao”, “chờ cập nhật”, biến người xem thành những nhân cách thụ động chỉ chờ nạp thông tin. Một cách vô tình họ trở thành một hiện thực nối dài của mạng xã hội, một đám đông im lặng tham dự bị động vào cái vô nghĩa, nếu không nói là cái ác, cái xấu, cái phi nhân tính trong đời. Hôm nay rủ người ta đến xem tự sát mà người ta đến đông vậy, chắc mai kia muốn thiên hạ đến xem một cái gì đó quái ác hơn, phản cảm hơn nữa cũng đã có cách thức, có đường để rủ rồi đấy thôi!
Thị trường câu like béo bở
Những trò câu like, câu view trên mạng đã từng bị phê phán nhiều nhưng đã đến lúc phải chỉ thẳng động cơ thực của những việc làm này. Việc mở trang, thu hút thành viên, bạn bè và những người không quen biết, câu like vô tội vạ… đang thành một nghề kiếm tiền thực sự trong thế giới mạng, chứ không chỉ đơn thuần là mục đích chia sẻ thông tin, chia sẻ cảm xúc. Thị trường mua bán các trang fanpage, mua bán lượng view, like khá sôi động, béo bở. Việc kinh doanh lợi dụng lòng tin, lợi dụng sự tò mò của người dùng, lợi dụng hiệu ứng tâm lý đám đông đang ngày càng diễn ra dày đặc. Chuyện dùng mạng sống để câu like khó có thể coi là chuyện văn hóa, tình cảm, thậm chí thú vui nào đó đơn thuần. Nó có thể là câu chuyện kinh doanh với động lực là trục lợi, nếu không tính đến các động cơ khác sâu xa hơn.
Trước những biến tướng của mạng xã hội, một bộ phận người dùng Việt Nam, trong đó có giới trẻ đang tỏ ra chưa đủ bản lĩnh, ngay cả trong thế giới mạng, vốn là thế giới quen thuộc của họ. Sự bình tĩnh tiếp nhận thông tin, phản ứng đúng chuẩn mực quy ước của xã hội, không khuyến khích những chiêu trò câu khách dị biệt, quái đản… bỗng trở nên chậm chân so với tốc độ lan tràn và các hậu quả kéo theo từ mạng xã hội. Một khía cạnh khác, những biện pháp tuyên truyền, xử lý của các cơ quan hữu trách chưa đủ tác dụng ngăn ngừa nên chuyện lợi dụng mạng và môi trường thông tin vẫn đang tiếp tục. Xin đừng xem những đám đông này chỉ là sự tập hợp những kẻ hiếu kỳ không có mục tiêu. Cần thật sự nhận thức rõ và có thái độ quyết liệt hơn trong việc chấn chỉnh những hành vi xã hội có liên quan đến đông người, dù là trên mạng hay bắt nguồn từ mạng. Lơ là bỏ qua dần sẽ tạo nên những đám đông vô cảm đến nhẫn tâm và ngày càng nhiều những kẻ trục lợi.