Ngày 1- 12, Thông tư 18 của Bộ Y tế có hiệu lực để chống nhiễm khuẩn BV, bởi nhiễm khuẩn làm gia tăng chi phí điều trị, tăng số ngày nằm BV và tăng nguy cơ tử vong. Trong đó, việc làm được chú trọng hướng dẫn nhất chính là chuyện.... rửa tay. Chuyện rửa tay trong BV đang được thực hiện ra sao?
Nhân viên y tế cũng quên rửa tay
Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, trên bàn tay con người luôn có những vi khuẩn thường trú, khi gặp điều kiện thuận lợi thì nó sẽ phát triển. Tuy nhiên, khảo sát của Pháp Luật TP.HCM cho thấy hầu hết các thân nhân chăm sóc bệnh nhân đều không rửa tay, thậm chí nhân viên y tế khám hết bệnh nhân này sang bệnh nhân khác mà cũng chẳng rửa tay hay thay găng.
Thạc sĩ Hồ Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Nhi đồng 2, cho biết đối với những bệnh nhân nặng, BV để dung dịch rửa tay ở đầu giường, bắt buộc thân nhân phải rửa tay. Tuy nhiên, cũng có những bà mẹ leo lên giường ôm con nằm mà không rửa tay mặc dù BV đã dán khuyến cáo. Theo thạc sĩ Thoa, một khó khăn khác là ở những phòng không có dịch vụ thì việc bố trí bồn rửa cũng không thể được mà phải sử dụng nhà vệ sinh tập thể. Bởi vì để bồn rửa bên ngoài nó liên quan đến nước, xà bông và việc làm nước tung tóe ra xung quanh cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Do đó, khả năng tốt nhất vẫn là dung dịch rửa tay nhanh mặc dù giá khá cao.
Theo bác sĩ Thoa, BV Nhi đồng 2 đang tính toán sau này chi phí rửa tay bằng dung dịch rửa tay nhanh sẽ tính chi phí nằm BV luôn của bệnh nhân, bởi một lần rửa tay nhanh tính giá khoảng 500 đồng. Còn tại BV Chợ Rẫy, chi phí này do BV chi.
Hai, ba bệnh nhân nằm một giường thì việc lây bệnh cho nhau là điều khó tránh khỏi. Ảnh: DUY TÍNH
Ngoài việc bệnh nhân không ý thức vệ sinh thì trong đó, một phần lớn phải kể đến sự “thiếu ý thức” của nhân viên y tế. Theo Sở Y tế TP.HCM, còn một số nhân viên y tế không rửa tay đúng kỹ thuật, một số đơn vị không có sẵn xà bông, chưa có xe vận chuyển chất thải rắn đúng quy định. Đặc biệt, BV còn chưa tiêm phòng viêm gan B và một số bệnh truyền nhiễm khác cho nhân viên y tế và quy trình chống nhiễm khuẩn đã lạc hậu.
Nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến điều trị
Theo thạc sĩ Thoa, nếu thực hiện tốt việc rửa tay thì các biện pháp khác như vô trùng dụng cụ chăm sóc y tế mới hiệu quả, tất cả phải hướng đến an toàn và tốt nhất cho bệnh nhân nhưng cũng cần phải làm tốt về vệ sinh xung quanh bệnh viện, rác thải...
Thạc sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu, cho biết đặc thù BV chuyên khoa là ở tỉnh tụ về rất đông, quá tải làm cho các bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm nằm gần nhau, chung đụng... làm tăng nguy cơ gây nhiễm khuẩn BV và lây chéo nhau. “Chúng tôi đã thuê một đội vệ sinh chuyên nghiệp để dọn dẹp toilet, phòng ốc, hành lang. Tuy nhiên, việc nhiễm khuẩn vẫn xảy ra, nhất là trong các khoa phẫu thuật” - Thạc sĩ Thịnh nói.
Tiến sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết trong môi trường BV có rất nhiều vi trùng sinh sống, trong đó có những vi trùng đã “hít” nhiều loại thuốc, do đó khi bệnh nhân được tiêm thuốc mà bị nhiễm trùng thì sẽ bị kháng thuốc. “Có những loại thuốc rất đắt tiền, 1-4 triệu đồng/mũi, nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng nằm một tháng thì số viện phí phải trả là không nhỏ” - bác sĩ Định nói.
Trong mục tiêu mà Bộ Y tế đề ra đến năm 2015, việc kêu gọi rửa tay chống nhiễm khuẫn là một yêu cầu cấp thiết để giảm tỉ lệ chết và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Và việc làm rất nhỏ ấy nay đã không còn là chuyện nhỏ với sức khỏe cộng đồng.
Nhiễm khuẩn BV là gì? Đó là những nhiễm khuẩn xảy ra trong thời gian bệnh nhân nằm trước đó có các bệnh nhiễm khuẩn tiềm tàng, diễn ra sau 48 giờ khi nhập BV. Thí dụ như viêm gan siêu vi B, C, HIV, viêm xương khớp do đóng đinh nội tủy... Thống kê của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm trong nước có khoảng 600.000 bệnh nhân bị nhiễm trùng do nhiễm khuẩn BV, làm cho thời gian điều trị bệnh nhân kéo dài thêm 9-22 ngày và tăng phí điều trị thêm 2-32 triệu đồng. Tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Chợ Rẫy, cho rằng Thông tư 18 ra đời đã thay đổi cách nhìn về khoa chống nhiễm khuẩn. Nếu như trước đây, những người làm trong khoa là những nhân viên chuyên đi hấp, sấy, ủi, nên các BV đưa những người không có chuyên môn vào làm. Qua quá trình làm việc, Bộ Y tế thấy nó bất cập nên ra Thông tư 18 đã yêu cầu những người làm công tác chống nhiễm khuẩn phải có kiến thức về ngành y và được đào tạo chuyên môn. |
DUY TÍNH