Rút tiền khỏi chứng khoán lúc này sẽ hối tiếc về sau ?

Phải chờ đợi tới 15 phiên giao dịch trong tâm trạng hồi hộp xen lẫn lo lắng thì đến phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 mới khiến nhà đầu tư chứng khoán có cảm chút cảm giác nhẹ nhõm khi chỉ số VN-Index bất ngờ thu hút dòng tiền để bật tăng khỏi mốc 1.300 điểm. 

Chốt phiên giao dịch ngày 30-7, chỉ số VN-Index tăng 16,15 điểm lên 1.310,05 điểm, mốc cao nhất trong 3 tuần trở lại đây.

Thế nhưng, không ai dám tự tin nhận định phiên tăng điểm này sẽ mở đầu cho đà thăng hoa của thị trường chứng khoán trong tương lai. Vậy trong lúc này, nhà đầu tư nên làm gì để không "hối tiếc" về sau?

Rút vốn là tự mình để vuột mất cơ hội

Tại toạ đàm trực tuyến "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021" được tổ chức sáng 30-7, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận kinh tế thế giới đang có quá nhiều vấn đề, có những yếu tố bất trắc rủi ro đã qua và ở phía trước còn rất nhiều.

Còn ở trong nước, chính sách kinh tế vĩ mô, triển vọng phục hồi tiếp theo ra sao trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bức tranh của các thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đang là mối quan tâm lớn hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu – VinaCapital, nhận định: Trong giai đoạn này, nhà đầu tư không nên rút vốn ra khỏi thị trường. Thứ nhất là đợt bùng phát dịch COVID-19 này sẽ được kiếm soát và sớm kết thúc, ngay sau đó, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi.

Thứ hai, những nhà đầu tư rút khỏi thị trường vào thời điểm điều chỉnh sâu thường sẽ bỏ lỡ nhịp phục hồi ngay sau đó và cũng sẽ bỏ lỡ khoản lợi nhuận đáng kể.

Ở hiện tại, thị trường đang cố gắng để duy trì sự cân bằng. Một mặt vì nửa đầu năm thị trường đi lên, tất cả công ty trong các lĩnh vực đều đi lên, tăng mạnh nhất vẫn là cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, thép và công nghệ.

Đối với 6 tháng cuối năm nay, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh hơn, đối với những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và hoàn thành, hoặc vượt kế hoạch kinh doanh của cả năm thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng tốt hơn.

“Thị trường chứng khoán vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, khi dịch bệnh lần này được kiểm soát tốt hơn, nền kinh tế sẽ phục hồi vào quý 4, thì thị trường chứng khoán cũng có những lý do để bắt đầu phục hồi tốt hơn” - bà Thu nhấn mạnh.

nha-dau-tu-ca-nhan

Nhà đầu tư cá nhân cần tìm hiểu kỹ về nhóm ngành sẽ đầu tư. Ảnh minh hoạ: T.LINH

Động lực nào hỗ trợ cho thị trường chứng khoán?

Chia sẻ thêm về sự tăng trưởng của thị tường chứng khoán trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho biết: Việc các ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi xuống mức rất thấp như hiện tại chính là động lực hỗ trợ dòng tiền chảy vào chứng khoán. Khi không có nhiều kênh có thể để đầu tư, nguồn tiền nhàn rỗi hiện đang có xu hướng đổ dồn vào tài khoản chứng khoán. 

Số lượng tài khoản mở mới 6 tháng đầu năm đến nay lên tới gần 620.000 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020, năm thị trường đã lập kỷ lục lịch sử về số tài khoản cá nhân mới.

Tổng số tiền đầu tư của các nhà đầu tư trong nước cũng đã cân hết được lượng tiền rút ra của khối ngoại. Do đó, sự phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước và nội lực trong nước nhiều hơn.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Hoài Thu cho rằng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 3% dân số, trong khi Trung Quốc là 13%. Thị trường Việt Nam đang được so sánh với Đài Loan vào cuối những năm 80-90 song lúc đó số tài khoản của Đài Loan đã khoảng 18%. Do đó, tiềm năng của thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất lớn.

Đứng về góc nhìn của một nhà đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Hoài Thu nhận định: Mặc dù các nhà đầu tư F0, Fn hiện nay đã có nhiều kiến thức hơn khi tham gia vào thị trường chứng khoán so với trước đây.

Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều nhà đầu tư cá nhân F0, thậm chí các nhà đầu tư Fn thường không xác định rõ được là nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tới 86-87% lượng giao dịch mỗi ngày với quy mô giao dịch mỗi ngày khoảng 1 tỉ USD. Trong khi các nhà đầu tư là các quỹ chiếm tỉ lệ ít hơn nhưng thường đầu tư dài hạn và có danh mục đầu tư rõ ràng hơn.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, nhất là F0 khi mới gia nhập thị trường cần phải tìm hiểu kỹ về nhóm ngành sẽ đầu tư. Với nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn nhưng không biết nên đầu tư nhóm ngành nào thì nên chọn một công ty quản lý quỹ trên thị trường để đầu tư hoặc tìm hiểu về các cổ phiếu mà họ dự định mua vào để đa dạng hóa danh mục cổ phiếu. Mỗi quỹ thường đầu tư 20-30 cổ phiếu. 

Về dự báo dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài những tháng cuối năm, rất khó dự báo nhưng xu hướng của thị trường là dòng tiền sẽ tăng trở lại.

"Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, lợi nhuận của thị trường vẫn đang tốt hơn nhiều thị trường trong khu vực. Tôi nhận thấy một số nhà đầu tư trong khu vực châu Á, trong đó, có các nhà đầu tư Đài Loan vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam" - bà Thu cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm