Bằng chứng đó là hình ảnh một giỏ rác cản lối đi, hoặc những chú cún đang “làm bậy” trước một ngôi nhà đóng cửa giữa đêm khuya.
Nhắc không được sẽ bị chụp ảnh
Mô hình “săn ảnh đen” ra đời cách đây hơn hai năm từ sáng kiến của ban vận động khu phố 2. Ông Nguyễn Anh Phong, trưởng ban vận động khu phố, cho biết phần lớn dân cư ở đây là người gốc Hoa và kinh doanh buôn bán tại nhà. Việc giữ cho các con hẻm luôn sạch đẹp, ngăn nắp là điều không đơn giản.
Sau các cuộc họp tổ dân phố để vận động bà con thực hiện mô hình khu phố không rác của thành phố, đội ngũ “săn ảnh đen” của khu phố bắt đầu hoạt động. Những hộ thường xuyên xả rác, chưa bỏ rác đúng chỗ, đúng giờ được ban vận động khu phố nhắc nhở và thuyết phục thay đổi thói quen.
Tuy nhiên, có những trường hợp rất khó quy trách nhiệm bởi có người âm thầm làm giữa đêm. Sáng ra, nhiều hộ dân kêu trời vì trước nhà là bãi phóng uế của mấy chú chó hoặc nước thải cùng bã cặn ai đó đổ xuống cống nhưng không dọn dẹp sạch gây nhếch nhác.
Không lẽ bó tay trước tình trạng này? Một người trong ban vận động quyết định sắm máy chụp ảnh để “săn ảnh” giữa đêm khuya vì điện thoại không thể zoom lại chụp cho rõ. Sau vài đêm theo dõi và chụp ảnh, ông này có đầy đủ hình ảnh gửi lên phường. Phường mời các hộ dân lên nói chuyện. Nếu không khắc phục thì các bức ảnh sẽ được dán lên bảng tin và bị đề nghị xử phạt.
Sau vài lần như vậy, có rất nhiều người hưởng ứng cách làm này. Chị TQ cho biết mỗi khi thấy có người làm bẩn khu phố, chị sẽ dừng lại chụp ảnh và gửi những ảnh này cho ông Phong. Thỉnh thoảng ảnh của chị chụp được dán lên bảng tin. Hàng xóm của chị cũng giận người chụp ảnh giấu mặt lắm nhưng rồi sau đó không đổ rác ẩu nữa.
Nhiều người dân đến gặp ông Phong để gửi “ảnh đen”. Tác giả luôn được giấu tên. Khi người dân trong khu phố “săn ảnh đen” gửi về ban vận động khu phố, quỹ khu phố hỗ trợ mỗi tấm ảnh 3.000 đồng nhưng phần lớn người dân không nhận.
Hình ảnh nhếch nhác trên con hẻm được người dân chụp lại (ảnh trên) và dán lên bảng tin khu phố. Ảnh: H.MINH
Giận rồi thương
Bà Đặng Thu Hà, phó ban vận động khu phố, cho biết một số hộ gia đình làm xấu khu phố bị đưa lên bảng tin đã làm mặt giận, không nói chuyện với bà. Một số bức ảnh bị ai đó lén gỡ xuống.
Nhưng sau những lần giận dỗi đó là con hẻm trở nên ngăn nắp, sạch đẹp hơn. Rồi khi bà bắt chuyện, họ nói về việc không còn làm chuyện xấu nữa, đại loại như “quán nhà tui không còn đổ nước tùm lum như trước nữa nghe”.
Ông Phong cho biết có một cơ sở chế biến gây ô nhiễm, bị người dân báo lên phường. Sau nhiều lần kiểm tra, cơ sở này bị đình chỉ. Chủ cơ sở làm mặt giận, thấy ban vận động là quay lưng đi. Nhưng sau nhiều lần họp tổ dân phố, bà con bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình vì môi trường hết ô nhiễm. Ông Phong cười nói: “Hàng xóm với nhau, giận vậy chứ đâu có giận được hoài”.
Có những hộ gia đình ở khu phố kế bên dắt vật nuôi sang khu phố 2 “xả bậy” và bỏ rác ở con hẻm chung, người dân cũng chụp ảnh gửi cho ông Phong. Không thể qua khu phố bên cạnh để nhắc nhở, ông Phong dán “ảnh đenˮ đó lên bảng tin khu phố mình. Ông Phong nói: “Nhiều người thấy ảnh trên bảng tin về nói lại, họ cũng rút kinh nghiệm”.
Những con hẻm ngoằn ngoèo lâu đời của khu phố không có được sự thoáng đãng như những khu phố mới nhưng bây giờ đã ngăn nắp và gọn gàng, cây xanh phủ mát.
Một nhà biết ba nhà Khu phố 2 đã đạt danh hiệu “khu phố không rác”. Không chỉ có mô hình “săn ảnh đen”, chúng tôi còn kết hợp mô hình “15 phút vì thành phố sạch đẹp mỗi ngày” (mỗi người tự dành ra 15 phút để vệ sinh nhà cửa và khu vực trước cửa nhà) và “một nhà biết ba nhà” (khi dọn vệ sinh nhà mình, mỗi người sẵn tay dọn dẹp luôn trước hai nhà bên cạnh). Chúng tôi vận động cán bộ hưu trí gương mẫu làm trước. Chuyện làm thì nhỏ nhưng kết quả rất tốt. Xây dựng thành phố bắt đầu từ những điều đơn giản như vậy. Ông NGUYỄN THANH PHONG, trưởng ban vận động khu phố 2, phường 10, quận 5 (TP.HCM) Theo báo cáo tổng kết của Sở TN&MT TP.HCM, “săn ảnh đen” của khu phố 2, phường 10, quận 5 được công nhận là mô hình về vệ sinh môi trường tiêu biểu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2015. |