Sân chơi đó là câu lạc bộ (CLB) dành cho lao động giúp việc gia đình được thí điểm tại phường Đa Kao và phường Tân Định, quận 1, TP.HCM gần một năm nay. Hầu hết những người giúp việc tham gia CLB đều là những người có trình độ thấp. Họ tất bật hằng ngày với công việc mà không có môi trường nào để sẻ chia vui buồn sau những ngày lao động vất vả.
Mấy ai thấu hiểu người giúp việc
“Còn nhớ những năm làm cho nhà kia, chủ nhà bắt tôi làm tới tận 30 tết. Mà ngặt nỗi người ta không trả cho tôi được đồng nào để trang trải ngày tết, họ sợ mình nhận tiền rồi qua tết không làm nên bảo qua tết đi làm lại mới trả. Ngày 30 tết, đang nấu cơm để đón năm mới cho ngôi nhà nhỏ của mình thì chủ gọi, tôi cũng phải bỏ hết việc mà đến làm cho người ta. Mùng 7 tết, tôi đi làm lại nhưng đã phải khóc nức nở bỏ về và nghỉ việc luôn. Bởi bà chủ nhà bảo tôi ăn cắp quần áo mà quần áo của bà với tôi đâu thể nào nhầm lẫn được. Mấy ai thấu hiểu người giúp việc!”. Cô Bùi Minh (phường Tân Định) nước mắt chực trào kể về chuyện oái oăm khiến cô phải nghỉ việc mà không biết cách gì để nói cho chủ nhà thấu hiểu.
Chồng mù, nằm liệt giường nhiều năm, bao nhiêu công việc đều đổ lên vai của người phụ nữ tuổi gần 60. Cô phải vừa lo cho chồng vừa chăm sóc đứa cháu trai. Qua làm cho một chủ nhà mới, cô tham gia CLB để muốn hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của mình hơn.
Trường hợp của cô Nguyễn Thị Thắm (phường Tân Định) cũng không ngoại lệ. “Ngày đầu tiên đến nhà chủ làm, vợ con đi vắng, chỉ có ông chủ ở nhà. Ổng khóa trái cửa, cởi trần, định giở trò đồi bại. Một lần khác ổng say xỉn, hôn tôi. Tôi bỏ chạy khỏi nhà, nghỉ việc luôn. Giờ thì tôi chăm sóc cho hai cụ già ở một nhà chủ khác. Người già nằm một chỗ nên sinh hoạt rất bất tiện. Con cái của hai cụ lại ngại dơ bẩn nên mới tới lượt mình. Nhiều lúc tôi cũng lúng túng không biết phải làm sao để tự bảo vệ mình hay làm cách nào để vừa lòng chủ” - cô Thắm trải lòng về việc tham gia CLB. “Thương người già như chính cha mẹ mình” - đó là bí quyết cô học được từ những đồng nghiệp của mình.
CLB dành cho lao động giúp việc gia đình phường Tân Định tổ chức buổi học nấu ăn cho các cô. Ảnh: TL
Tăng kiến thức, thêm kỹ năng
Ban đầu đến đây, ai cũng tự ti như là tầng lớp thấp nhất của xã hội. Ai cũng ngại phát biểu trước đám đông, có người còn sợ hãi khi có chủ nhà đến cùng sinh hoạt nhưng sau một thời gian thì họ tự tin hơn nhiều.
Chị Nguyễn Thị Ánh Đào, Ban Chủ nhiệm CLB dành cho lao động giúp việc nhà phường Đa Kao, cho biết mỗi buổi sinh hoạt đều được lên kế hoạch trước, bắt đầu với các trò chơi hoạt náo để các chị, các cô phấn chấn đến các trò chơi mang tính xử lý tình huống. Đó là những tình huống các cô thường gặp trong lúc làm việc, từ việc làm vỡ chậu hoa, bị chủ la,… cho đến bị chủ sàm sỡ và kể cả những tình huống liên quan đến pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người giúp việc. Từ đó các cô cũng đã hiểu thêm về luật pháp, hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình và cả gia chủ. Nhiều người giúp việc đã biết cách cư xử, giao tiếp để chủ tin yêu hơn. “Có nhiều cô không biết nấu ăn hay sử dụng lò nướng, máy móc trong nhà. Đến đây, các cô được học về kỹ năng sử dụng máy móc, làm bánh, mứt, ướp hay bảo quản thức ăn… Các cô thích lắm, nhiều cô sau khi học xong về nhà thực hành ngay rồi gọi điện thoại khoe là mình làm ngon lắm, chồng con, gia chủ đều thích” - chị Đào nói.
Không thể sinh hoạt thường xuyên vì còn nhiều khó khăn ở buổi đầu thành lập nhưng những giờ phút gặp gỡ hiếm hoi đã mang đến những nụ cười hồn nhiên, không vướng bận lo toan.
Cô Bùi Minh kể rằng khi gặp nhau, ai có khó khăn buồn bực gì thì kể ra. Mọi người cùng lắng nghe rồi đưa ra phương án giúp. Cô nói: “Bản thân tôi đã học được nhiều điều từ CLB. Tôi đã biết cách xây dựng tình cảm với từng thành viên trong nhà chủ hơn. Chẳng hạn như cô chủ nhà bị đau khớp lên xuống cầu thang khó khăn, những lúc như vậy, tôi hay chủ động đến dìu cô đi, dần dần chủ nhà cảm động, rồi hay tâm sự với tôi nhiều chuyện, coi tôi như chị em trong nhà vậy”.
CLB dành cho lao động giúp việc gia đình là mô hình được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng và Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung của Cộng hòa Liên bang Đức. CLB đang vận động gia chủ và người giúp việc cùng sinh hoạt để hiểu nhau hơn. Ban đầu nhiều chủ nhà không muốn tham gia vì họ cho rằng đây là môi trường để nói xấu chủ nhà, hơn nữa người giúp việc tham gia thì không ai nấu cơm, giặt giũ. Nhưng dần họ cũng thấy quyền lợi của mình được bảo vệ, kỹ năng của người giúp việc nhà mình tăng lên nên an tâm. Sau một thời gian thì đôi bên đều am hiểu luật pháp, biết cách cư xử với nhau vì suy cho cùng, họ sống với nhau bằng tình cảm là chính. Bà NGUYỄN THỊ XUÂN, Chủ tịch Hội Liên hiệp Từ ngày tham gia CLB, cô giúp việc nhà tôi biết cách cư xử với gia đình rất tốt. Ngày trước cô không biết nói những từ cảm ơn, xin lỗi hay những câu làm vui lòng chủ đâu. Nhưng sau này cô còn biết nói câu làm tôi nhớ mãi: “Ở với chị, em thấy thoải mái lắm, chắc là hết đời em cũng không kiếm được gia chủ nào tốt như anh chị”. Nhờ sinh hoạt trên CLB, cô nấu được bò lúc lắc, cánh gà chiên mắm, cánh gà chiên bơ, ngày tết cô còn làm được dưa kiệu. Cảm động trước tình cảm đó, từ ngày cô ấy mang thai, tôi cưu mang hai mẹ con cô ấy như người nhà, con của cô giờ ở chung nhà với chúng tôi luôn. Gia chủ TRẦN ÁNH AN (phường Đa Kao), người tham gia CLB ngay từ những ngày đầu |
LÊ THOA – THANH TUYỀN
(*) Tên của những người giúp việc đã được thay đổi