Sẵn sàng khởi kiện Vedan

Gần đây, khi Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN), Đại học Quốc gia TP.HCM hoàn tất bản báo cáo đánh giá phạm vi, mức độ thiệt hại tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM để làm căn cứ yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại thì ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan, đã phân bua: Vẫn chưa đủ căn cứ để bồi thường. Sau đó, Vedan lần lượt mặc cả với hai địa phương này.

Đã xảy ra nhiều cuộc làm việc căng thẳng giữa các địa phương và đại diện Vedan. “Gút” mới đây nhất của Vedan là “hỗ trợ” cho nông dân TP.HCM 7 tỉ đồng, Đồng Nai 15 tỉ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 10 tỉ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ là 32 tỉ đồng so với mức 25 tỉ đồng do Vedan đưa ra trước đó.

TP.HCM: Xong việc ủy quyền khởi kiện

Ngày 10-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, khẳng định: “Hội Nông dân TP hoàn toàn không đồng ý con số 7 tỉ đồng mà Vedan nói là hỗ trợ cho gần 840 hộ dân ở huyện Cần Giờ. Trong tuần tới, Hội Nông dân TP sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cần Giờ, Tổng cục Môi trường và Viện MT&TN làm việc với Vedan lần cuối cùng vào ngày 17-6. Nếu không đạt được thỏa thuận con số bồi thường là 45,7 tỉ đồng thì hội sẽ xin ý kiến UBND TP chính thức khởi kiện Vedan”.

Theo ông Phụng, hiện nay Hội Nông dân TP.HCM đã có đầy đủ hồ sơ các hộ dân bị thiệt hại. Ngoài ra, hội Nông dân TP cũng đang tính toán trình phương án đề xuất tạm ứng án phí cho nông dân lên UBND TP và Thành ủy.

Sẵn sàng khởi kiện Vedan ảnh 1

Với hàng đống đơn thư, số liệu thống kê thiệt hại từ các cơ quan chuyên môn nhưng Vedan vẫn nại lý do con số chưa thuyết phục. Ảnh: P.ĐIỀN

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM) trực tiếp tư vấn cho Hội Nông dân TP trong vụ này cũng khẳng định Hội Nông dân TP đã có đủ các chứng cứ để khởi kiện Vedan. Cụ thể, đó là các con số, diện tích, phạm vi, ngành nghề, lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt… do Tổng cục Môi trường và Viện MT&TN điều tra, thẩm định kỹ và công bố. Ngoài ra, UBND huyện Cần Giờ cũng đã trực tiếp đi xác minh, điều tra từng hộ rất chi tiết.

Luật sư Hậu cho biết các hộ nông dân ở Cần Giờ đã làm xong thủ tục ủy quyền cho Hội Nông dân TP.HCM đại diện họ khởi kiện Vedan.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Kiện tới cùng!

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dứt dạt: “Quan điểm của tỉnh là hoàn toàn bảo lưu con số 53,6 tỉ đồng thiệt hại theo số liệu đánh giá của Viện MT&TN. Do vậy, chúng tôi sẽ không cù cưa mặc cả gì thêm với Vedan nữa vì họ lật lọng”.

Theo ông Thới, hiện tỉnh cũng đang tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn trong việc cử đại diện để khởi kiện Vedan nếu không đạt được mức thỏa thuận bồi thường. Tỉnh giao cho ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ huy thống kê thiệt hại từ Vedan, làm đại diện, cùng với Hội Nông dân đồng hành với nông dân trong vụ kiện. Ban chỉ huy sẽ hướng dẫn người dân viết đơn thư khởi kiện, rà soát, củng cố lại các chứng cứ từ các cơ quan khoa học kết luận.

Theo ông Thới, mức án phí trong vụ kiện này khá lớn, vượt quá tầm của nông dân, do đó tỉnh sẽ xin ý kiến Tỉnh ủy tạm ứng án phí trước để nông dân theo đuổi vụ việc này đến cùng.

Chỉ còn ba tháng một ngày

Đồng Nai không chấp nhận đơn kiện tập thể.

Theo luật dân sự, tính đến ngày hôm nay (11-6) thì chỉ còn ba tháng một ngày nữa là nông dân hết thời hiệu khởi kiện.

Chánh án TAND huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) Trần Văn Kiểm cho biết sẵn sàng thụ lý đơn kiện đủ chuẩn của các nông dân địa phương. Đối với các hộ dân nộp đơn kiện riêng lẻ thì tòa thụ lý giải quyết bình thường. Với trường hợp đơn kiện tập thể, tòa huyện tạm thời chưa quyết định được ngay mà phải hỏi ý kiến của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. “Tòa huyện không có tâm lý e dè, ngại ngùng vì luôn muốn bảo vệ quyền lợi của người dân nhưng về đường lối giải quyết thì vẫn phải thống nhất trong ngành” - ông Kiểm nói.

Tuy nhiên, Chánh án TAND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nơi có số lượng người dân bị thiệt hại nhiều nhất) Lê Thị Hạnh khẳng định người dân không thể kiện tập thể được. Lý giải của bà Hạnh là mức thiệt hại và ngành nghề bị thiệt hại của từng hộ dân là khác nhau. Tòa không thể tuyên phần yêu cầu bồi thường khác nhau của một nhóm hộ dân vào chung một bản án được. Vì thế, từng thiệt hại riêng lẻ của từng hộ dân phải được giải quyết cụ thể bằng từng bản án. “TAND huyện Long Thành luôn sát cánh cùng người dân và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khởi kiện Vedan” - bà Hạnh nói.

THANH TÙNG

- Ngày 25-9-2009, Hội Nông dân ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tài và TP.HCM đã thống nhất đòi Vedan bồi thường 569 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng giám đốc Công ty Vedan từ chối con số này.

- Ngày 22-4, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu Vedan bồi thường trên 53 tỉ đồng sau khi đã có số liệu đánh giá từ Viện MT&TN nhưng Vedan nói chỉ hỗ trợ 2,4 tỉ đồng. Tiếp đó, ngày 2-6, Vedan gửi văn bản nâng mức hỗ trợ tỉnh này lên 10 tỉ đồng.

- Tại Đồng Nai, ngày 22-4, Vedan ký văn bản đề nghị hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Nai 15 tỉ đồng với lý do “để duy trì mối quan hệ với người nông dân”.

- Ngày 2-6, UBND TP.HCM yêu cầu Vedan bồi thường 45,7 tỉ đồng, đến ngày 10-6, Vedan trả lời: Chỉ hỗ trợ 7 tỉ đồng.

Để được miễn, giảm án phí

Nông dân thuộc đối tượng những người có thu nhập trung bình và thấp nên thuộc diện miễn hoặc giảm án phí dân sự khi khởi kiện. Tuy nhiên, bà con cần phải có xác nhận gia đình thuộc diện khó khăn của UBND xã nơi cư trú. Tòa án huyện sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định giảm một phần hay miễn hoàn toàn án phí.

Đơn xác nhận hộ nghèo phải được nộp kèm theo đơn khởi kiện để tòa kịp thời xem xét khi thụ lý.

(Theo ông Trần Văn Kiểm, Chánh án TAND huyện Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu và bà Lê Thị Hạnh, Chánh án TAND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai)

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm