Vào thời điểm này, khi những trận mưa đầu tiên xuất hiện, người dân Long An và dân miền Tây bắt đầu hoạt động nghề bắt ếch đồng vào ban đêm.
Chiều tối qua (18-5), khi cơn mưa lớn xuất hiện và kết thúc sau một giờ đồng hồ, tiếp đó, cơn mưa lắc rắc lúc chiều làm mặt đất ướt đẫm, báo hiệu cho một đêm có thể soi được nhiều ếch.
Chen chân
Hơn 20 giờ ngày 18-5, trên các cánh đồng huyện Thủ Thừa, xuất hiện hàng chục nhóm soi ếch với các dụng cụ sẵn sàng, nào là vợt bắt ếch, giỏ đựng ếch, đèn ắc-quy hay đèn pin cầm tay, đèn đội đeo giữa trán... Từ đầu cánh đồng cho tới mãi xa hàng cây số sáng rực những ánh đèn nhấp nháy lung linh như một thành phố về đêm.
Ếch đồng thường được người soi ếch lội khắp ở trên các cánh đồng từ khu vực TP Tân An trải dài lên các huyện biên giới Vĩnh Hưng, Tân Hưng… của tỉnh Long An
Theo nhóm anh Nguyễn Thế Hạnh (45 tuổi, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, Long An) cho biết nhóm anh có bảy người, từ đầu mùa mưa đến nay nhóm anh đi soi ếch ở cánh đồng ở xã Nhơn Ninh. Khu vực này có khoảng 15ha, anh em chia nhau ra khu vực để bắt sau khi trời tối.
“Nhóm tôi thuê xe 7 chỗ từ TP Tân An lên Tân Thạnh để bắt ếch đồng, vì ở TP Tân An ếch thì ít mà người bắt thì như trẩy hội, đông lắm. Từ đầu mùa tới giờ tôi đi được 5 chuyến, bắt được trên 40kg. Chúng tôi xuất phát từ 15 giờ lên đó, rồi để máy bắt ếch canh giữ chỗ, bắt đầu công việc từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau kết thúc. Trung bình mỗi chuyến một người bắt từ 7 đến 15 kg ếch đồng”, anh Hạnh nói.
Theo dân chuyên bắt ếch, thì chỉ cần nghe tiếng ếch kêu, rồi đi lại gần dùng đèn pin rọi vào, lúc đó ếch ngồi, hai mắt ếch do phản xạ với ánh sáng của đèn soi nên đứng yên. Chỉ cần bước đến dùng tay bắt và đưa vào giỏ.
Ở Long An, người đi soi ếch chỉ bắt ếch bằng tay và dùng một số loại bẫy, không bắt bằng chĩa hay cắm câu như ở các vùng khác. Bẫy được đặt quanh bờ ruộng, những vườn dừa hay vườn cây ăn trái.
Theo anh Võ Văn Thao ( 50 tuổi, xã Mỹ An huyện Thủ Thừa, Long An) có kinh nghiệm trên 30 năm bắt ếch đồng chia sẻ vào thời điểm sáng trăng, không nên đi soi ếch. Ánh sáng sẽ lan tỏa khắp mọi nơi, ếch thấy người sẽ nhảy đi trốn, rất khó bắt. Vào tầm từ 1-4 giờ sáng mới có ếch nhiều.
“Trước đây đi bắt ếch chỉ nghe tiếng ếch rồi lần theo dấu vết, rọi đèn là bắt, còn bây giờ dân soi ếch dùng loa đã thu tiếng ếch kêu phát lên, làm lẫn lộn rất khó để biết. Tôi mới đi khoảng một tiếng bắt chỉ được vài con nhưng thấy dân bắt ếch đông quá, hàng trăm người có, toàn đèn pin rọi, người bắt ếch chắc nhiều hơn ếch đúng là nhộn nhịp y như đi hội chợ” - anh Thao nói.
Kiếm tiền triệu
Anh Lê Phước Thịnh (36 tuổi, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, Long An), anh kể từ nhỏ đã theo cha và các anh rong ruổi khắp ruộng đồng săn ếch, kinh nghiệm được tích lũy dần rồi thạo nghề”. Cứ vào mùa mưa, là lấy đèn đi lang thang khắp đồng ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh để bắt ếch. Hiện tại, mỗi chuyến đi soi anh Thịnh có thể bắt được khoảng 5-10 kg ếch, được thương lái thu mua với giá 140.000-200.000 đồng/kg.
“Mới đầu mùa mưa nên ếch đồng còn nhỏ. Mưa nhiều ếch mới to. Đầu mùa, ếch chui xuống lỗ nẻ hay hang cua, hang rắn nên có khi thấy cũng đành bó tay” - anh Thịnh Nói.
Theo dân bắt ếch, hiện nay cách dụ ếch là phát loa tiếng ếch, trong hang khi nghe tiếng kêu chui lên, lao đến nơi phát tiếng kêu để tìm bạn tình để bắt cặp thì dính bẫy.
Dân soi ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu để phân biệt được ếch và nhái. Tiếng ngắn, đứt quãng là ếch, tiếng nhanh, dài là nhái. Phải phân biệt được mắt ếch với mắt cóc, chuột, và thậm chí là rắn, nếu không muốn mất mạng.
Theo những người sống bằng nghề soi ếch, lượng ếch đồng gần đây khan hiếm hơn nên giá ếch tăng cao. Vì vậy, muốn bắt ếch nhiều, những người bắt ếch phải đi các đồng xa, rộng như các huyện Đồng Tháp Mười, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng… phải thức trắng đêm vất vả, lội ruộng hàng cây số để soi ếch.
Công việc bắt ếch đôi khi chỉ là niềm vui, cũng có thể là “chén cơm, manh áo” của nhiều gia đình. Nhưng nó đã đem lại thu nhập, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập trong những cơn mưa đầu mùa.