Theo ông Hải, việc tuyên dương kịp thời những cơ sở sản xuất thực phẩm sạch sẽ là động lực để các cơ sở này duy trì tốt hơn các điều kiện về ATVSTP. Từ đó, người tiêu dùng có thêm cơ hội được tiếp cận, sử dụng các thực phẩm an toàn cho sức khỏe.
Bên cạnh kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm ATVSTP, ông Hải cho rằng việc quản lý, giám sát lĩnh vực này của các cơ quan chức năng cần được tăng cường hơn nữa. Riêng với thức ăn đường phố, cơ quan chức năng cần tuyên truyền người bán hàng nên chọn mua nguyên vật liệu, thực phẩm tươi mới, an toàn để chế biến, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm.
HĐND TP.HCM đang giám sát hoạt động sản xuất tại một cơ sở trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, đề nghị UBND phường Bình Hưng Hòa nên hỗ trợ khám sức khỏe cho người kinh doanh thức ăn đường phố. “Nếu người bán không thể đến Trung tâm Y tế dự phòng hoặc BV quận Bình Tân khám sức khỏe thì UBND phường có thể mời bác sĩ xuống trạm y tế để khám” - bà Nhung nêu ý kiến.
Theo bà Nhung, thời gian qua, ở một số địa phương xảy ra tình trạng ngộ độc rượu tập thể. Do đó, phường phải quản lý cho được loại hình sản xuất này. “Trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa có hai cơ sở nấu rượu thủ công, UBND phường nên giám sát chặt. Nếu có thể thì vận động hai cơ sở này chuyển sang loại hình kinh doanh khác” - bà Nhung đề nghị.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho biết trên địa bàn hiện có 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 44 hộ kinh doanh thức ăn đường phố.